Không để tái diễn người lang thang, ăn xin

(ĐTTCO) - Mặc dù không rầm rộ như trước đây, nhưng vấn nạn người ăn xin, lang thang vẫn còn ở các tuyến đường, giao lộ tại TPHCM.

Một thành phố văn minh, văn hóa, đầu tàu kinh tế - xã hội như TPHCM dứt khoát không để thực trạng này tái diễn, nhất là giai đoạn hậu Covid-19. Vì lẽ đó, hàng loạt các giải pháp để quản lý người ăn xin, lang thang đang được chính quyền thành phố tập trung thực hiện.

Một người đàn ông xin tiền người qua đường ở gần giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TPHCM)

Một người đàn ông xin tiền người qua đường ở gần giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TPHCM)

Tây, ta cùng góp mặt

Người tham gia giao thông ắt hẳn không ít lần lo sợ với việc những đứa trẻ đen nhẻm, tay cầm cái thau nhựa cũ kỹ, móp méo chen lẫn trong dòng xe dừng đèn đỏ để xin tiền. Đó là cảnh tượng thường diễn ra tại các giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mai Chí Thọ - Trần Não, Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương… Tại các khu chợ Thị Nghè, Thái Bình, Vườn Chuối, Tân Định… lâu lâu lại xuất hiện những người phụ nữ kéo hay đẩy xe tự chế. Trên xe là những bé trai, bé gái bị bệnh não úng thủy đang nằm ngủ hay thức với ánh mắt vô thần. Ở gần khu vực một số bệnh viện lại thường xuất hiện những “bệnh nhân” trong trang phục bệnh viện. Họ nhăn nhó, đau khổ dở áo, xăn quần, để lộ những vết thương đang rỉ máu.

Và trong những người khất thực ấy lâu lâu lại xuất hiện cả người nước ngoài. Họ không ồn ào, ngửa tay cầu xin mà ăn mặc lịch sự, lẳng lặng đứng ở góc đường với tấm bảng ghi nguệch ngoạc lý do mình hành khất. Nào là đi du lịch, bị dịch bệnh kẹt lại, cần đủ tiền mua vé về nước; hoặc bị mất việc đột xuất, bị kẻ gian lấy hết tài sản… Đủ loại lý do khơi gợi sự thương hại, lòng hảo tâm của người khác. Ngoài ra, hàng đêm có hàng chục người thường xuyên tụ tập trên cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Bông, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh… để nhận suất ăn đêm của các nhóm từ thiện.

Chuyện giúp đỡ người khất thực, ăn xin cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Bà Nguyễn Thị Diễm Thúy (ngụ phường 1, quận Gò Vấp) nói: “Mình có con cháu trạc tuổi đó. Do vậy, khi chứng kiến cảnh mấy cháu đi xin tiền như vậy thì rất xót xa, đau lòng! Nhiều lúc cũng muốn giúp các cháu, nhưng đang dừng xe ở xa quá nên không thể làm gì khác”. Ông Trần Đắc Tài (ngụ phường 5, quận 8) lại gay gắt: “Đối với các trường hợp như vậy, tôi dứt khoát không giúp đỡ. Bởi lẽ, cứ gần chỗ mấy đứa trẻ đang chen lấn trong dòng xe cộ đó là cha, mẹ của chúng. Ừ thì đói nghèo, nhưng không thể hành hạ những đứa trẻ như vậy. Thời gian sau này, tôi dành chi phí để đóng góp cho các hoạt động từ thiện thiết thực. Rất bực mình khi sự sẻ chia của mình bị xúc phạm. Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, tôi tham gia các nhóm từ thiện phát suất ăn đêm cho người cơ nhỡ đang sinh sống ngoài lề đường. Một số nhóm còn để tiền trong các phần quà đó. Nhiều người tụ tập ở các cây cầu và vỉa hè để đợi các suất ăn đó, nhưng nhiều lúc họ nhận không phải để ăn mà chỉ để lấy tiền”.

Kiên quyết xử lý

Quyết định số 812/QĐ-UBND của UBND TPHCM về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn TPHCM có hiệu lực từ ngày 16-3-2023. Theo quy định, với những trường hợp đã được nhắc nhở một lần hoặc đang cư trú nhưng không thường xuyên sinh sống tại địa chỉ cung cấp, nhà đã bán, giải tỏa và không có người thân thích sinh sống tại địa chỉ đã xác minh thì tổ công tác sẽ bàn giao đến cơ sở trợ giúp xã hội được chỉ định. Riêng người không đăng ký cư trú ở TPHCM hoặc không thể cung cấp địa chỉ đăng ký cư trú, tổ công tác tập trung và chuyển họ đến cơ sở trợ giúp xã hội. Các trường hợp người lang thang, xin ăn là người nước ngoài được thực hiện theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và hướng dẫn của Công an TPHCM.

Theo Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM, từ đầu năm 2023 đến ngày 15-3, các trung tâm hỗ trợ xã hội và điều dưỡng người bệnh tâm thần đã tiếp nhận 223 trường hợp; trong đó có 16 người nước ngoài và 56 trường hợp bệnh tâm thần. Sở LĐTB-XH TPHCM vừa đề nghị chính quyền các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện tháng cao điểm giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn. Trước đó, UBND TPHCM đã ban hành quy định về công tác tập trung trẻ em, người lang thang ăn xin và người cần bảo vệ khẩn cấp khác. Một cán bộ Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết: “Khoản 10, Điều 4, Quyết định số 812/QĐ-UBND quy định nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân được giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM. Tuy nhiên, Sở LĐTB-XH cũng khuyến nghị người dân không cho tiền trực tiếp các đối tượng xin ăn trên đường phố. Người dân có lòng hảo tâm nên gửi tiền hoặc hiện vật đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM, các quỹ từ thiện của các tổ chức, đơn vị có chức năng làm công tác từ thiện xã hội để hỗ trợ các đối tượng xã hội”. Hy vọng với sự triển khai đồng loạt các giải pháp cụ thể, tình hình người lang thang, ăn xin sẽ được giải quyết căn cơ, hiệu quả.

Các tin khác