Phiên họp diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra bùng phát tại Trung Quốc và lây nhiễm ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nội dung phiên họp được Văn phòng Chính phủ công bố tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối cùng ngày.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Lên các kịch bản tăng trưởng
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ KH-ĐT trình bày báo cáo cập nhật kịch bản tăng trưởng, đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong bối cảnh tác động của dịch nCoV. Bộ KH-ĐT đánh giá tình hình KT-XH tháng 1 tiếp tục ổn định, dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1-2020 trùng với Tết Canh Tý (chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng 1).
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, dù chỉ mới hết tháng 1, nhưng do có dịch nên Chính phủ đã chỉ đạo có báo cáo tính toán, đánh giá về khả năng tăng trưởng. Bộ KH-ĐT cũng đã báo cáo các kịch bản tăng trưởng để bảo đảm phát triển vĩ mô. Theo đó, nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý 1, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước. Trường hợp dịch nCoV kéo dài sang quý 2, tăng trưởng quý 2 là 5,81%, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước.
Tuy nhiên, đất nước đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp; dịch tả heo châu Phi chưa xử lý dứt điểm; dịch nCoV diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt KT-XH...
Đây là các con số ước tính, hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ chúng ta kiểm soát dịch vào thời điểm nào. Kịch bản tăng trưởng GDP sẽ được Bộ KH-ĐT cập nhật hàng tháng dựa trên số liệu thực tế. Bộ cũng trình Chính phủ phương án, trước mắt dành nguồn lực để kiểm soát dịch. Sau khi dịch được kiểm soát, phải có những giải pháp khắc phục hậu quả của dịch, trong đó có gói hỗ trợ cho những đối tượng bị thiệt hại nặng nề, như nông dân trồng thanh long không bán được… Song song đó, cần thực hiện tốt các giải pháp như đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công...
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, với vị trí là một quốc gia láng giềng có chung biên giới trên bộ, trên biển và quan hệ hợp tác, giao thương trên nhiều mặt (thương mại, đầu tư, du lịch, xuất nhập cảnh...) có mức độ và quy mô lớn với Trung Quốc nên Việt Nam khó tránh khỏi những tác động trực tiếp và gián tiếp trên diện rộng. Dịch sẽ tác động toàn diện đến mọi lĩnh vực. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.
Bộ Công thương cũng cho rằng, mức độ tác động của dịch nCoV tới các mặt của nền kinh tế phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch. Trước mắt, hiệu ứng tác động của dịch đến một số mặt của nền kinh tế tuy khá nhanh nhưng chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và kéo dài đến hết quý 2, mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam sẽ nghiêm trọng. Bộ Công thương cũng dự kiến nhiều kịch bản ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), dự kiến trong quý 1, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng 400 - 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5%-8%, tùy theo diễn biến của dịch. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho rằng, các diễn biến phức tạp hiện nay cho thấy việc kiểm soát lạm phát chung khoảng 4% năm 2020 sẽ gặp nhiều thách thức hơn dự kiến. Về tỷ giá, hoàn toàn có đủ nguồn lực để bình ổn tâm lý thị trường và can thiệp khi cần thiết trong trường hợp tỷ giá có những biến động quá mức trên thị trường...
Khó khăn thử thách bản lĩnh, quyết tâm
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch. Vì vậy, cần thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Chính phủ đã thảo luận, cơ bản thống nhất: Chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống, không được để dịch bệnh lây lan, coi việc phòng chống dịch như chống giặc; có kịch bản, phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân. Chính phủ cũng đã thảo luận và nhấn mạnh vừa chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm, vừa đẩy mạnh giao thương, thương mại, hàng hóa với Trung Quốc và các nước khác. Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế thống nhất với các tỉnh có cửa khẩu để triển khai kế hoạch đồng bộ, nhất là Lạng Sơn, Lào Cai...
Thủ tướng kết luận, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nhiệm vụ này là một thử thách đối với bản lĩnh, sự quyết tâm của chúng ta. Đồng thời, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá, xuất khẩu; phải tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng. Tập trung chỉ đạo phát triển KT-XH theo kịch bản mới; chủ động tìm kiếm thị trường; chỉ đạo mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không ngành nào được dừng lại.
Sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới...
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Bộ Công an đã triệu tập hơn 170 đối tượng lan truyền thông tin sai sự thật về dịch nCoV để làm rõ, yêu cầu cam kết và gỡ bỏ thông tin sai, xử lý những hành vi sai phạm. Các đối tượng này đều cam kết không tái phạm. Ngành công an cũng đang theo dõi hơn 40 trường hợp chống đối, không hợp tác với cơ quan chức năng để tiếp tục làm rõ; nếu tái phạm hoặc có hành vi bất hợp tác có thể xem xét xử hình sự. |
Tại cuộc họp báo Chính phủ tối 5-2, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, dẫn lời Thủ tướng cho biết Chính phủ đã đồng ý miễn thuế nguyên liệu sản xuất khẩu trang phòng chống dịch cũng như thuốc sát trùng, hóa chất liên quan... Hiện có 24 công dân Việt Nam ở Vũ Hán, chủ yếu là học sinh, trong đó 19 người mong muốn trở về nhà. Chính phủ giao các bộ ngành liên quan phối hợp đón các công dân Việt Nam ở vùng dịch về nước, nhưng bảo đảm cách ly 14 ngày. Bộ Quốc phòng sẽ bố trí các điều kiện ăn, ở, nghỉ cho các công dân này. Bố trí chuyến bay ở Vân Đồn để bảo đảm không lây chéo. Công dân Việt Nam làm ăn ở Trung Quốc nếu có nhu cầu cũng sẽ được bố trí đưa về và bảo đảm yêu cầu cách ly. Đây là chủ trương lớn, Chính phủ bảo đảm nguồn lực thực hiện. |