Chiều cùng ngày, đoàn đã làm việc với 6 tỉnh vùng ĐBSCL gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, đánh giá tình hình sản xuất cây ăn trái và lúa vụ đông xuân 2019-2020, công tác chuẩn bị cho vụ hè thu 2020.
Theo báo cáo của tỉnh Tiền Giang, vụ lúa đông xuân 2019-2020, tỉnh xuống giống 57.604ha, đã thu hoạch hơn 13.500ha (sản lượng trung bình đạt 7 tấn/ha), diện tích còn lại đang giai đoạn làm đòng, trổ chín; cây ăn trái có gần 80.000ha. Đến thời điểm này, Tiền Giang chưa bị thiệt hại gì về lúa, cây ăn trái do hạn mặn gây ra. Nước sinh hoạt cho người dân đến thời điểm này cũng được đảm bảo.
Nhiều dòng kênh ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đã cạn nước. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Còn tại Long An, diện tích rau màu, cây ăn trái có khả năng bị thiếu nước tưới là 14.359ha. Trong đó, thanh long có thể thiếu nước tưới ngắn hạn cho gần hơn 9.000ha ở huyện Châu Thành; huyện Thủ Thừa hơn 1.000ha chanh, rau màu và huyện Tân Trụ có khả năng thiếu nước tưới cho hơn 1.000ha thanh long và lúa. Diện tích lúa đông xuân 2019-2020 có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 7.000ha, tập trung ở các huyện Tân Trụ, Cần Đước, Thủ Thừa… Riêng nước sinh hoạt, chỉ có khoảng gần 8.000 hộ sống phân tán của huyện Cần Giuộc bị ảnh hưởng trong mùa khô 2019-2020.
Tại Trà Vinh, tỉnh xuống giống vụ đông xuân 2019-2020 hơn 60.000ha, nhưng đến nay đã có hơn 5.177ha bị thiệt hại do hạn mặn. Tại Sóc Trăng, theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hiện có khoảng 28.000ha cây ăn trái bị nước mặn “bao vây” gần 2 tháng nay với độ mặn 2‰. Tại Bến Tre, hiện lúa đông xuân 2019-2020 đã bị thiệt hại do hạn mặn hơn 5.000ha, tập trung ở 2 huyện Ba Tri (4.428ha), Giồng Trôm (631ha).
Lúa bị thiệt hại nặng do hạn mặn. Ảnh: TẤN THÁI
Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đến Bến Tre kiểm tra công tác phòng chống hạn, mặn. Hiện độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông từ 45 - 60km, độ mặn l‰ xâm nhập cách cửa sông từ 52-76km. Từ tháng 1 đến nay, mặn diễn biến gay gắt, khốc liệt, xâm nhập nhanh và sâu hơn vào trong các sông chính.
Hiện tại, trên sông Hàm Luông và sông Cửa Đại không còn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Có khoảng 57.000 hộ dân (205.000 người) sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển; trên các cù lao, cồn trên sông Hàm Luông, sông Tiền, Cổ Chiên, cặp theo các trục kênh rạch sâu trong ruộng vườn thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh (do hết nguồn nước dự trữ).
Tại buổi làm việc, Bến Tre kiến nghị Trung ương xem xét tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, bố trí vốn trung ương khoảng 200 tỷ đồng để đầu tư tiếp hồ chứa nước ngọt quy mô 1,5 triệu m3, tại 3 huyện ven biển nhằm đảm bảo khả năng trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng ven biển.
Bố trí tiếp cho tỉnh 850 tỷ đồng để triển khai đầu tư tiếp các hạng mục còn lại Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre, nhất là việc gia cố hệ thống đê ven sông và đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (giai đoạn 2).
Hỗ trợ, bố trí cho 70 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương phòng chống hạn mặn để tỉnh thực hiện đắp khẩn cấp một số đập tạm, trong đó có 2 đập tạm trên khu vực sông Ba Lai và nạo vét hệ thống thủy lợi dẫn nguồn nước ngọt tưới cho các vườn cây ăn trái huyện Châu Thành và phục vụ cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt của tỉnh hoạt động.
Ngày 20-2, trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn biến ngày càng phức tạp và gây rất nhiều thiệt hại trên địa bàn, UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất chủ trương mời gọi các bộ ngành, các chuyên gia, nhà khoa học đến khảo sát, đánh giá nguyên nhân và giúp tỉnh các giải pháp xử lý căn cơ trước mắt, cũng như lâu dài. Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện có hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại, diện tích có nguy cơ thiệt hại tiếp tục tăng trong thời gian tới; gần 43.000ha rừng, trong đó có diện tích Vườn quốc gia U Minh Hạ đang trong tình trạng báo động cháy, trong hơn 12.000ha báo động cấp V. Một số cống ngăn mặn đã bị rò rỉ. |