Không được tăng giá dịch vụ công dồn dập

(ĐTTCO)-Theo chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết nghị thông qua, năm 2019, tăng trưởng GDP khoảng 6,6% - 6,8% (Chính phủ phấn đấu GDP tăng 6,8%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Trong đó, chỉ tiêu tăng CPI “khoảng 4%”. Tuy nhiên, trong điều hành, Chính phủ quyết tâm đặt mục tiêu kiểm soát CPI tăng dưới mức 4%, cụ thể là nằm trong khoảng 3,3-3,9%.
Không được tăng giá dịch vụ công dồn dập

Từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới luôn biến động một cách bất định. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang; việc Anh rời khỏi EU đang rơi vào thế bế tắc và trở lại vạch xuất phát gần 3 năm trước; tỷ giá nhiều đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh; giá dầu thô và một số hàng hóa tiếp tục xu hướng biến động mạnh, lúc lên lúc xuống thất thường…

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, nếu tiếp tục kéo dài và Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì GDP của Mỹ có thể giảm 0,6%, của Trung Quốc giảm 0,8%, thương mại toàn cầu giảm 1% và GDP toàn cầu giảm 0,4%.

Ở trong nước, giá điện đã phải tăng khi mà mặt hàng này bị kiềm chế khá lâu; giá xăng dầu tiếp tục biến động theo giá thị trường thế giới; giá dịch vụ y tế nhiều nơi điều chỉnh tăng; tỷ giá trung tâm liên tục tăng trong nhiều tháng gần đây; dịch tả heo châu Phi đã lây lan ở nhiều địa phương… Rõ ràng, việc điều hành giá cả đang gặp những thử thách lớn khi nhiều yếu tố bất lợi đang đến vào cùng thời điểm.

Trong hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019 diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã đưa ra kịch bản khả thi, nhiều khả năng xảy ra là tăng trưởng GDP là 6,81% song CPI sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4,79%. Nguy cơ lạm phát theo kịch bản này có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài.

Ở kịch bản kém khả thi hơn, VEPR dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,56% và với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát ở mức 4,21%. Như vậy, dù ở kịch bản nào, dự báo của VEPR cũng cho thấy, lạm phát luôn là mối quan ngại lớn và có khả năng vượt mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra. Nếu lạm phát tăng, chi phí đầu vào của nền sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, khi đó, lãi suất khó có khả năng giảm. Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng, lãi suất khó giảm sẽ làm giảm sức sản xuất của doanh nghiệp.

CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018. Dù đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây song điều đó không có nghĩa chặng đường kiểm soát giá cả thời gian tới không gặp nhiều áp lực khi mà các rủi ro, thách thức bên ngoài đang khó lường.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu và phải tỉnh táo trong điều hành, bởi nếu không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách và truyền thông, giải tỏa tâm lý lạm phát thì khả năng CPI bình quân tăng vượt 4% năm 2019 có thể xảy ra.

Về yêu cầu cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, không được tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm, tăng cường truyền thông, giám sát hành vi thao túng giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải tăng dày các cuộc họp đánh giá, phân tích.

Năm 2019, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó, việc kiềm chế lạm phát được xác định nhất quán là thấp hơn 4%. Các giải pháp đặt ra để thực hiện mục tiêu này đã được xác định rõ trách nhiệm cho từng bộ, ngành. Vấn đề còn lại là công tác tổ chức thực hiện, phối hợp trong điều hành. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh quốc tế đầy biến động hiện nay, cộng với những khó khăn trong nước, để kiềm chế lạm phát, các cơ quan điều hành sẽ cần phải tiếp tục theo sát diễn biến giá cả những tháng còn lại của năm 2019.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng với việc điều tiết cung tiền, lãi suất và tín dụng trong thời gian tới nếu muốn duy trì mức lạm phát không vượt mục tiêu. Bên cạnh đó, cần tập trung, quyết liệt trong dập dịch tả heo đang lan rộng. Bởi nếu nguồn cung bị ảnh hưởng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả của thịt heo, các loại thực phẩm thay thế khác, trong khi đó, mặt hàng thực phẩm luôn có ảnh hưởng lớn trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, cũng như trong rổ tính CPI.

Các tin khác