Không gian sinh hoạt của người dân bị cắt xén - Bỗng dưng thành... quán nhậu

(ĐTTCO) - Không chỉ đất công viên bị “phân lô” cho thuê, mà ngay cả trường học cũng tận dụng vị trí đắc địa để đục tường mở kiốt cho thuê mặt bằng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều nhà thiếu thi, trung tâm thể dục thể thao, sân vận động - đặc biệt là Cung Văn hóa Lao động TPHCM.

Một góc công viên văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10, TPHCM đã được cho thuê làm khu dịch vụ giải trí

Một góc công viên văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10, TPHCM đã được cho thuê làm khu dịch vụ giải trí

Nhiều không gian sinh hoạt của người dân trên địa bàn TPHCM như công viên, cung văn hóa, nhà thiếu nhi, trung tâm thể dục - thể thao... được hình thành nhằm phục vụ cộng đồng, trong đó có người lao động, công nhân lao động. Những nơi này hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, nhưng thời gian qua, hàng loạt nơi đã bị cắt xén làm kiốt cho thuê mở hàng quán kinh doanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của người dân.


“Phân lô” công viên cây xanh

Năm 2017, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có quyết định đóng cửa và di dời toàn bộ trung tâm thương mại, nhà hát, công sở... ra khỏi Công viên 23/9 (quận 1) để trả lại không gian “sạch” cho người dân. Công viên 23/9 đã được trả đúng công năng, là nơi sinh hoạt, giải trí của người dân.

Trong khi đó, ở nhiều nơi, không ít công viên lớn, nhỏ đang bị “phân lô” cho thuê để kinh doanh. Điển hình là các công viên Phú Lâm (quận 6), Gia Định (quận Phú Nhuận và Gò Vấp), Lê Thị Riêng (quận 10)... “Công viên Gia Định được thành phố đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp khang trang, thoáng đãng. Vậy nhưng bên trong công viên lại có rạp xiếc dã chiến, dẫn đến công viên trở nên nhếch nhác”, bà Phan Thị Mai, nhà ở đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, thường xuyên ra Công viên Gia Định tập thể dục) phàn nàn.

Trong khi đó, Công viên Phú Lâm cũng bị “phân lô” hàng ngàn m² để mở khu tập yoga, quán cà phê giải khát và nhà hàng Sun Palace. Tương tự, Công viên văn hóa Lê Thị Riêng đang bị “phân lô” cho thuê mở dịch vụ từ ăn uống đến câu cá, trò chơi... Án ngự mặt tiền công viên, trên đường Cách Mạng Tháng Tám, là Nhà sách Nhân Văn, chiếm diện tích khoảng 900m² và khu vui chơi Tuổi Thần Tiên, với một “quần thể” dịch vụ có diện tích trên 10.000m². Ngoài 2 công trình “khủng” trên, còn có nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê với tổng diện tích đã “phân lô”, chuyển công năng chiếm hơn 10% mặt bằng công viên. 

Ông Nguyễn Viết Hòa (đường Cách Mạng Tháng Tám) phản ánh, cuối tuần đưa vợ con đi công viên, nhưng tìm được một điểm vui chơi miễn phí cho trẻ em quá khó. Đặt chân vào công viên mà bước đi đâu cũng gặp quán cà phê, câu cá, bán đồ ăn. “Công viên là chỗ để vui chơi, thư giãn, nhưng mỗi lần dẫn con đi chơi lại càng thêm ức chế”, ông Hòa nói.

Cắt đất mở quán nhậu và cà phê

 Nạn cắt xén không dừng ở “phân lô” công viên cây xanh, mà tràn sang cả trường học, học viện. Các trường học, học viện đều có tường bê tông, rào sắt bao quanh để giữ không gian riêng biệt phục vụ việc dạy và học, nhưng không còn “đứng vững” trước sức hấp dẫn của việc cho thuê mặt bằng. Nhiều trường như Trường Đại học Bách khoa TPHCM (quận 10), Trường Đại học Sư phạm (quận 5), Trường Đại học Nông lâm TPHCM, Phân viện Thanh thiếu niên niền Nam (TP Thủ Đức)... cũng phá tường rào, cắt đất mở kiốt, quán nhậu và cả quán cà phê chòi võng.

Ghi nhận thực tế, xung quanh Trường Đại học Bách khoa TPHCM, hai tuyến đường Lý Thường Kiệt và Tô Hiến Thành có gần 30 kiốt, kinh doanh các loại hàng hóa từ văn phòng phẩm đến vật liệu xây dựng.

Còn tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ và An Dương Vương, các kiốt liền nhau kinh doanh các loại văn phòng phẩm và dịch vụ photocopy, trông như thay thế tường rào của trường. Chị Nguyễn Thị Phúc, nhà ở tỉnh Bình Phước xuống thăm em gái học ở trường, nhận  xét: “Không nhìn bảng hiệu chắc không biết đây là Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Nhìn bên ngoài, trường giống như siêu thị”.

Nằm ở vùng ven, Phân viện Thanh thiếu niên miền Nam, tường bị phá để mở kiốt, cho thuê mặt bằng kinh doanh và quán cà phê chòi. Cả 3 tuyến đường quanh phân viện (đường 138, 154 và Hoàng Hữu Nam) bị vây kín bởi kho bãi, cửa hàng kinh doanh ăn uống và nhà hàng. Chỉ tính riêng trên đường Hoàng Hữu Nam đã có trên 10 nhà hàng, kiốt đang hoạt động. Quán cà phê chòi võng Hương Tràm rộng hàng trăm m², với nhiều chòi lá kín bưng, san sát nhau. Liền kề quán cà phê chòi võng là liên tiếp các cửa hàng kinh doanh yến sào, quán lẩu bò và cà phê, nước giải khát. Quán có quy mô lớn nhất là quán bia Hùng Cường. Ước tính phân viện đã phá tường rào cho 21 cá nhân, đơn vị mở kiốt, kho bãi, nhà hàng… với diện tích trên 16.000m².

“Băm nhỏ” cung văn hóa, nhà thiếu nhi

 Nhiều công trình văn hóa như nhà thiếu thi, trung tâm thể dục - thể thao, sân vận động, cung văn hóa - lao động ở các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng chung số phận bị cắt xén để cho thuê.

Trung tâm Thể dục thể thao quận Phú Nhuận - nơi rèn luyện thể dục thể thao của người dân - đã bị cắt xén, nhường một phần để mở cửa hiệu kinh doanh buôn bán. Cả 3 tuyến đường bao quanh Trung tâm Thể dục thể thao quận Phú Nhuận bị cắt khúc mở ki-ốt, cửa hàng kinh doanh. Trên đường Bùi Văn Thêm có 5 kiốt bán quần áo, dụng cụ thể thao; trên đường Hoàng Minh Giám có nhà hàng, cơm trưa văn phòng; ở đường Đặng Văn Sâm có quán cà phê.

Bên trong Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh (đường Lê Văn Duyệt) được cho thuê mở Nhà sách Văn Lang và in ấn bảng quảng cáo. Còn mặt đường Vũ Tùng được thiết kế thành 2 kiốt cho thuê buôn bán hoa, cây cảnh. Cách đó khoảng vài trăm mét, Nhà Thiếu nhi quận Bình Thạnh có mặt tiền được “thiết kế” là dãy 4 kiốt cho thuê mở photocopy, bán cà phê, đồ ăn uống. Còn mặt tiền Nhà Văn hóa Lao động quận Bình Thạnh nằm trên đường Nơ Trang Long cũng được dựng 3 kiốt để cho thuê kinh doanh đồ gia dụng, thể thao và tiệm bánh kem.

Trong khi đó, Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP Thủ Đức (218 Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu) - không gian sinh hoạt, vui chơi của thiếu nhi - cũng bị “băm nhỏ” để mở cửa hàng kinh doanh, quán cà phê, với nhiều bảng hiệu to tướng: “Thương mại dịch vụ vi tính BaBy”, “Hãng giày Alena”, “Quán cà phê Bus stasion”.

Không gian sinh hoạt của người dân bị cắt xén - Bài 1: Bỗng dưng thành... quán nhậu ảnh 1Một phần Cung Văn hóa Lao động đã được cải tạo làm Câu lạc bộ Đoàn Viên phục vụ ăn uống

Đặc biệt, tại các khu vực trung tâm (như quận 1, 3, 5...), nơi “tấc đất tấc vàng”, hàng loạt chỗ như Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 3 (góc đường Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám và đường Tú Xương, phường Võ Thị Sáu), Nhà Thiếu nhi quận 1 (đường Trần Cao Vân, phường Đa Kao), Trung tâm Thể dục - Thể thao quận 1 (đường Huyền Trân Công Chúa, phường Bến Thành), Trung tâm Thể dục - Thể thao Hoa Lư (góc đường Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1), Cung Văn hóa Lao động TPHCM (Cung VHLĐ)... đều bị xâm phạm.

Trong số đó, Cung VHLĐ có chức năng là trung tâm hoạt động văn hóa, văn nghệ…, nhưng đã bị “băm nát” khá nhiều. Nhiều diện tích trong khuôn viên Cung VHLĐ đã bị “phân lô” làm sân quần vợt, quán cà phê (ở mặt tiền Nguyễn Thị Minh Khai), quán nhậu (CLB Đoàn Viên ở mặt tiền đường Huyền Trân Công Chúa) hoặc làm “trụ sở chính” của Công ty cổ phần Đào tạo Vietfuture (được giới thiệu trên website công ty - PV) ở góc mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai - Trương Định.

Đối tượng phục vụ chính của Cung VHLĐ TPHCM là đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động thành phố. Lãnh đạo Cung VHLĐ TPHCM giải thích, các đối tác được sử dụng không gian, mặt tiền của đơn vị là trên cơ sở của sự “hợp tác” giữa hai bên. Thế nhưng, về phía người lao động, họ gần như không được hưởng lợi gì từ những thương vụ “hợp tác” này. Chẳng hạn, trụ sở của Vietfuture án ngữ hàng chục mét mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai nhưng ưu đãi duy nhất, theo lãnh đạo Cung VHLĐ TPHCM, là mỗi năm có một vài suất đào tạo miễn phí cho con em công đoàn viên hoàn cảnh khó khăn.

Tương tự, trong vai là người lao động, chúng tôi liên hệ đăng ký sân đánh quần vợt (với giá thuê khá “chát”) thì được trả lời các suất sáng và xế chiều đến tối đã kín lịch trong nhiều tháng.

Trong khi đó, CLB Đoàn Viên được thành lập với ý nghĩa rất nhân văn, là nơi tổ chức tiệc cưới cho công nhân hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, từ khi được hình thành đến nay, nơi đây chỉ tổ chức được vài lần đám cưới cho công nhân. Còn lại, ngày ngày nơi đây là quán nhậu với giá bán không hề rẻ. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, ngụ TP Thủ Đức, phản ánh, chị là công đoàn viên thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM, nhưng khi liên hệ đặt tiệc cưới tại CLB Đoàn Viên, lễ tân trả lời là nhà hàng không có ưu đãi.

Các tin khác