Xông hơi tại nhà tự điều trị Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhiều ca bỏng nặng
Mới đây, Đơn vị Bỏng của Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (TP Hà Nội) tiếp nhận điều trị bé trai 6 tháng tuổi bị nhiễm trùng huyết do bỏng. Trước đó, do lo sợ cả nhà bị mắc Covid-19 nên mẹ của bé đã tự mua máy xông về xông mũi họng hàng ngày. Tuy nhiên, trong một lần người nhà bế bé đứng xông mũi họng, không may nước sôi từ máy xông đổ vào chân bé. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bé bị bỏng độ 3, mu bàn chân trái nhiễm trùng. Cùng thời gian trên, BV Sản nhi Nghệ An cũng tiếp nhận 2 trường hợp (4 tuổi và 14 tuổi) bị bỏng do người lớn trong nhà xông hơi. Do vết bỏng phù nề, có dấu hiệu hoại tử nên các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật cắt lọc hoại tử, ghép da tạo hình vạt che phủ, điều trị phác đồ bỏng chuyên sâu cho các bệnh nhi.
Tại TPHCM, BV Nhi đồng 1 đã tiếp nhận 4 trường hợp trẻ bị bỏng vì cha mẹ cho xông hơi. Trong đó, bé S.T.H. (7 tuổi, ngụ quận 11), bị bỏng 7% vùng thân trước và bộ phận sinh dục; bé N.Q.H. (6 tuổi, ngụ quận 8) cũng bị bỏng 6% thân trước, bộ phận sinh dục và 2 chân.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều người dân hễ mắc Covid-19 là tự mua sả, chanh, gừng, tinh dầu… để xông. Theo chia sẻ của nhiều người, việc xông hơi giúp họ cảm thấy dễ chịu và giảm các triệu chứng như sổ mũi, rát họng, nhức đầu. Có người còn lên mạng xã hội khoe xông 3 lần mỗi ngày và khỏi Covid-19 chỉ sau 5-7 ngày xông mà không dùng bất cứ một loại thuốc gì. Chính vì thế, xông hơi được nhiều người mắc Covid-19 coi như một liệu pháp không thể thiếu trong quá trình tự điều trị Covid-19 tại nhà.
Theo TS.BS Nguyễn Hồng Minh, Trưởng khoa Y học cổ truyền, BV Nhi Trung ương, xông hơi là một trong các biện pháp điều trị theo y học cổ truyền ứng dụng để hạn chế lây nhiễm và phòng bệnh được nhắc đến trong “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng chống dịch Covid-19” do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, xông hơi chỉ là một biện pháp hỗ trợ chứ không phải là phương pháp chính điều trị Covid-19.
Xông đúng cách
TS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, cho biết, việc xông hơi nóng vào mũi, họng là một phương pháp lý tưởng để vô hiệu hóa sự lây nhiễm của virus trong giai đoạn mới nhiễm. Khi virus khu trú tại vùng mũi, miệng, họng, phổi nhưng chưa nhiễm vào máu, nhiệt độ cao sẽ tấn công virus và ngăn chặn quá trình nhân đôi của chúng. Trong đợt dịch lần thứ 4 tại TPHCM, Viện Y dược học Dân tộc TPHCM đã áp dụng điều trị theo phương pháp Đông - Tây y kết hợp, trong đó phương pháp xông hơi cho bệnh nhân và nhân viên y tế được đánh giá ngăn ngừa và tiêu diệt virus SARS-CoV-2 rất hiệu quả.
Tuy nhiên, TS Trương Thị Ngọc Lan cho rằng, nhiều người dân xông chưa đúng cách, có người xông 2-3 lần/ngày bằng việc nấu một nồi nước xông và xông toàn thân. Trong khi đó, người mắc Covid-19, cơ thể đang rất mệt mỏi, suy nhược, ra mồ hôi nhiều, cần nhiều oxy để thở, nếu xông toàn thân sẽ dễ bị mất nước, khó thở, dễ chóng mặt và có khi choáng váng, ngất xỉu.
Do đó, với những người mắc Covid-19, chống chỉ định xông toàn thân mà chỉ nên xông mũi, họng. Thời gian xông mũi nên thực hiện trong 10-20 phút với 2 lần/ngày. Người bệnh cũng không nên lạm dụng xông quá nhiều lần, có thể làm cơ thể phản ứng, co thắt lại. Đặc biệt, phương pháp xông chỉ thực hiện ở người lớn, các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến trung bình của bệnh Covid-19. Tuyệt đối chống chỉ định xông cho những bệnh nhân có triệu chứng nặng, khó thở… Việc xông hơi cũng không nên thực hiện đối với trẻ em, người già yếu, có bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, việc xông mũi, họng với gừng, sả… có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng và là một phương pháp thư giãn, nhưng nếu lạm dụng quá nhiều lần trong một ngày sẽ dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài. Bên cạnh đó, nguy cơ bị bỏng, ngất xỉu có thể xảy ra trong quá trình xông.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi xông hơi, phụ huynh nên thận trọng nếu trong nhà có trẻ nhỏ. Không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng tuổi. Khi xông phòng, xông người lớn cần trông nom trẻ cẩn thận, phòng tránh trẻ va phải nồi xông, máy xông gây bỏng. Không nên sử dụng tinh dầu có nồng độ đậm đặc để xông nếu gia đình có trẻ em. |