“Mạnh gạo, bạo tiền”
Theo quy định hiện hành của Luật CK và Luật Doanh nghiệp, việc mua CP quỹ đến 10% tổng số cổ phần đang lưu hành của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của HĐQT. Tuy nhiên, theo Điều 35 của dự thảo Luật CK (sửa đổi), doanh nghiệp niêm yết muốn mua lại CP của mình phải đáp ứng một số điều kiện như: có Nghị quyết ĐHCĐ về việc mua lại CP để giảm vốn điều lệ; phương án mua lại trong đó nêu rõ số lượng, thời gian thực hiện, nguyên tắc xác định giá mua lại.
Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp không được thực hiện các nghiệp vụ mua lại cổ phần nhằm mục đích bình ổn giá, hoặc các mục đích khác. Với quy định này, một khi Luật CK mới được ban hành, mục tiêu cứu giá CP bằng việc mua CP quỹ sẽ là hành vi vi phạm trên TTCK.
Tuy nhiên, trong khi Luật CK sửa đổi chưa có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp niêm yết tranh thủ mạnh tay chi tiền mua lại CP quỹ để bình ổn giá. Đơn cử là CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), HĐQT của doanh nghiệp này vừa phê duyệt phương án mua CP nhằm bình ổn giá CP và gia tăng giá trị cho cổ đông. Theo kế hoạch, CTD dự kiến mua 3,8 triệu CP, thời gian mua dự kiến sau khi có công văn của UBCKNN. Giá mua vào được xác định trong khoảng từ 140.000-180.000 đồng/CP. Với mức giá dự kiến mua vào này, CTD sẽ phải chi ra số tiền từ 532-684 tỷ đồng.
Trên TTCK, thông tin doanh nghiệp mua CP quỹ giúp cho CTD có đợt sóng tăng từ dưới mốc 140.000 đồng/CP lên mức 157.000 đồng/CP. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đáy của mã CP này trong khoảng 2 năm trở lại đây. Đặc biệt, nếu tính từ thời điểm đầu năm 2018 đến nay, CTD đã mất khoảng 30% giá trị.
CTD dự kiến mua 3,8 triệu CP nhằm bình ổn giá CP.
Với mục đích tương tự, HĐQT của CTCP Dịch vụ ôtô Hàng Xanh (HAX), đã thông qua phương án về việc mua 1 triệu CP quỹ. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ tháng 11 đến tháng 1-2019. Thông tin CP quỹ giúp cho HAX có phiên tăng giá 6,77% sau chuỗi ngày giao dịch lình xình quanh mốc 15.000 đồng/CP. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn rất nhiều so với mốc 42.000 đồng/CP thời điểm đầu năm 2018.
Trước đó, trong buổi tiếp xúc với các cổ đông lớn và NĐT, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HAX, cho biết: “Bản thân mua CP HAX từ vùng giá 4.0 mà giờ chỉ còn 1.0. Dù không quá lo lắng về mức sụt giảm này, nhưng tôi cảm thấy áy náy với các cổ đông”. Cũng tại buổi tiếp xúc này, ông Dũng cũng tiết lộ HAX sẽ dùng lợi nhuận để mua CP quỹ để hạn chế đà suy giảm của giá CP trên TTCK.
Ngày 27-11, HĐQT của CTCP Vận tải đa phương thức Duyên Hải (TCO), đã thông qua việc mua lại 1,1 triệu CP quỹ. Giá mua vào được dự kiến từ 9.000-11.500 đồng/CP, tương tứng với số tiền mà TCO phải bỏ ra hơn chục tỷ đồng. Nguồn vốn mua vào lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển. Thông tin mua CP quỹ cũng giúp cho TCO có 2 phiên tăng mạnh, từ 10.450 đồng/CP lên 11.900 đồng/CP (tương đương 13,8%).
Gánh nặng CP quỹ, giảm kinh doanh
Gánh nặng CP quỹ, giảm kinh doanh
Có thể nói, mục đích mua CP quỹ của doanh nghiệp mang lại nhiều ý nghĩa cho NĐT trong bối cảnh TTCK diễn biến không tích cực. Hơn nữa, việc mua lại CP giúp làm giảm lượng CP lưu hành, từ đó làm tăng EPS (thu nhập trên cổ phần), giúp cho thị giá CP hấp dẫn hơn với NĐT. Ngoài yếu tố này, việc mua CP quỹ cũng được xem là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp khi mua vào ở mức giá thấp và bán ra khi CP tăng giá để thu lợi. Như vậy, bề nổi của động thái mua CP quỹ là mang lại lợi ích nhất định cho các cổ đông của doanh nghiệp.
Song mặt trái của việc mua CP quỹ sẽ làm giảm lượng tiền mặt tại doanh nghiệp. Nếu nhìn xa hơn sẽ thấy doanh nghiệp không ưu tiên sử dụng vốn để đầu tư mở rộng kinh doanh, hay đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng. Điều này có thể sẽ giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng hoạt động đầu tư CP quỹ cũng là hành vi thao túng giá CP, bởi doanh nghiệp sẽ tận dụng những thông tin tốt sắp được công bố để mua vào đón đầu. Tuy nhiên, tính toán của doanh nghiệp chưa chắc mang lại hiệu quả, bởi có không ít doanh nghiệp lỗ nặng khi ôm CP quỹ giá cao, như trường hợp của CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) hay Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC).
Một trường hợp khác là CTCP Thủy sản Mê Kông (AAM), từng gây ngỡ ngàng cho giới đầu tư với quyết định hủy toàn bộ số CP quỹ đang có để giảm vốn điều lệ từ 126,3 tỷ đồng xuống còn 99,3 tỷ đồng. Được biết, trong năm 2012, AAM chi ra hơn 62 tỷ đồng để mua vào 2,7 triệu CP quỹ. Tuy nhiên, giá trị số CP quỹ này đã giảm mạnh về mức 30 tỷ đồng, nên thay vì bán ra AAM chọn phương án “đau đớn” như trên.
Dù từng thất bại với CP quỹ và thậm chí rơi vào khả năng bị hủy niêm yết do vốn điều lệ không đủ tiêu chuẩn niêm yết trên HOSE là 120 tỷ đồng, nhưng mới đây, HĐQT của doanh nghiệp này đã công bố kế hoạch mua 2,4 triệu CP quỹ (từ ngày 29-10 đến ngày 27-11). Hết thời hạn đăng ký, doanh nghiệp này chỉ mua vào 1,9 triệu CP với giá bình quân 14.641 đồng/CP. Đến phiên giao dịch ngày hôm qua (5-12), giá CP AAM chỉ còn 12.700 đồng/CP. Như vậy, với 1,9 triệu CP quỹ vừa mua vào thì doanh nghiệp này tạm ghi nhận mức lỗ hơn 3,6 tỷ đồng.
Để CP quỹ mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp cũng như cổ đông, là câu chuyện hết sức bình thường với những CP đang trên đà tăng trưởng, nhưng với những mã CP đang giao dịch dưới mệnh giá do hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, lại chính là gánh nặng của doanh nghiệp. |