Theo quy hoạch đến năm 2020 thì ngành giấy sẽ đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước, tuy nhiên với việc phát triển tràn lan và nhiều dự án phải ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đang là những thách thức đối với sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tại hội thảo lấy ý kiến lần 1 vào dự thảo "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025" do Bộ Công Thương tổ chức chiều 22-11, các ý kiến đều thống nhất cho rằng việc siết chặt cấp phép, đánh giá đúng hiệu quả đầu tư là điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu trên.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2006-2020 là 95.569 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư nhà máy là 87.664 tỷ đồng, vốn trồng rừng là 7.905 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư là xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất 600.000 tấn bột giấy vào năm 2010 và 1,8 triệu tấn vào năm 2020, đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhìn lại giai đoạn từ 2006-2011 hiệu quả của nhiều dự án đưa vào đạt thấp, hiện tượng phá vỡ quy hoạch đã tác động xấu đến môi trường ở nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Kim Huệ, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Công ty TNHH Viện công nghiệp Giấy và xenluylo cho rằng, đã xuất hiện sự vênh nhau giữa sản xuất và tiêu thụ, người có nguyên liệu thì không muốn bán cho doanh nghiệp sản xuất... vì đời sống người trồng rừng quá thấp.
Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất giấy trong nước thấp nên ngân hàng cũng "ngại" cho vay. Trong 8 dự án giấy được triển khai năm 2010 thì chỉ có 2 dự án đúng tiến độ.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ cũ và lạc hậu. Tuy nhiên, trong quy hoạch đến năm 2020 những tiêu chí về công nghệ lại không được đưa một cách cụ thể. Còn tiêu chuẩn nước thải thì chưa có mức quy định nào rõ ràng.
"Chúng ta nói nhiều đến mất cân đối giữa nguyên liệu và sản xuất bột giấy, nhưng ở góc độ khoa học tác động xấu tới môi trường, vậy có cần nhiều dự án bột giấy như quy hoạch không?" - ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ nêu ý kiến.
Ông Dũng cũng đề cập đến khả năng sẽ không cấp phép cho những nhà máy bột giấy ngoài quy hoạch và "quy hoạch giấy sẽ là quy hoạch cứng, phải với công suất từ 250.000-400.000 tấn."
Để quy hoạch ngành công nghiệp giấy đến năm 2020 có tính thực tiễn cao, nhiều ý kiến cũng bày tỏ, cần có dự báo chính xác về nhu cầu và xu hướng thế giới làm tiền đề cho sự phát triển ngành giấy Việt Nam. Trong đó lưu ý đến xu thế sử dụng nguyên liệu giấy đã qua sử dụng để làm sản phẩm tái chế.
Ngoài ra việc đặt nhà máy cần tính đến yếu tố môi trường, theo quan điểm của ông Phạm Văn Tụ, Ủy viên hội đồng thành viên Tổng công ty Giấy Việt Nam, nếu đã là "quy hoạch cứng" thì không nên đặt các nhà máy sản xuất bột giấy ở thượng nguồn các dòng sông.
"Phải khẳng định một điều là quy hoạch cũ đã bị phá vỡ và để quy hoạch tiếp theo sát với mục tiêu đề ra rất cần có một bộ phận quản lý, theo dõi. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt thì các địa phương cấp phép cũng phải theo quy hoạch" - ông Tụ nhấn mạnh.
Hiện nay, mức tiêu thụ giấy tiêu dùng bình quân trên thế giới đạt khoảng 4kg/người/năm, trong đó châu Âu và Bắc Mỹ lên tới 30kg/người/năm, còn ở Việt Nam chưa đến 1kg/người/năm, như vậy tiềm năng thị trường còn rất lớn và cần được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Nhà nước.
Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần ổn định chính sách thuế đối với ngành giấy theo đúng lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO.
Trong hoạt động thu gom, buôn bán giấy đã qua sử dụng để sản xuất giấy cần được miễn thuế (mức thuế hiện nay là 10%). Bên cạnh đó, cần sớm ban hành quy định chỉ sử dụng giấy có độ trắng 82-85 ISO đối với sách học tập, vở, giấy văn phòng để hạn chế sử dụng chất tẩy trong ngành công nghiệp này.
Và cần coi cây nguyên liệu giấy là cây công nghiệp để có quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho toàn ngành.