Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ, đầu tuần này Bộ Tài chính đã ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 46 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế, hải quan. Theo đó, sẽ bãi bỏ 1 thủ tục, đơn giản 7 thủ tục trong lĩnh vực thuế; bãi bỏ 5 thủ tục, đơn giản 33 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Động thái này của Bộ Tài chính là bước đi nhanh chóng thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo tinh thần của Nghị quyết 19. Còn nhớ khi thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014 của Chính phủ, ban đầu các bộ ngành còn khá lưỡng lự. Được ban hành từ tháng 3 nhưng tại hội thảo về triển khai nghị quyết này doViện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức vào tháng 6, đại diện ngành thuế và hải quan đều bày tỏ sự khó khăn khi tiến hành cắt giảm thời gian nộp thuế và thủ tục hải quan, đồng thời cho rằng việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực của mình đều đã có bước tiến xa so với trước đây.
Phải tới gần cuối năm, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đích thân làm việc với ngành thuế và hải quan, việc cải cách ở 2 lĩnh vực này mới có chuyển động thực sự.
Tròn 1 năm sau khi ban hành Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ tiếp tục ban hành nghị quyết mới cũng số 19 về nội dung này nhưng với yêu cầu cao hơn, cụ thể hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 2 năm (2015-2016). Nhiều ý kiến cho rằng chỉ khi có sự vào cuộc thực sự của các bộ, ngành, địa phương, nghị quyết mới mới thực sự mang lại hiệu quả. Và lần này, để tạo quyết tâm mạnh hơn, hôm qua 25-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành trung ương về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, 7 bộ trưởng và lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan tham dự cuộc họp.
Cải cách thủ tục trong lĩnh vực hải quan được xem là giải pháp hữu hiệu và mang lại hiệu quả nhất cho môi trường kinh doanh. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chỉ cần Việt Nam rút ngắn được 15 ngày thủ tục thông quan hàng xuất khẩu (hiện cần tới 22 ngày), GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 11 tỷ USD. Giảm tiếp 14 ngày trong tổng thời gian đang cần để hoàn thành thủ tục nhập khẩu (hiện cần 21 ngày), Việt Nam sẽ tăng được GDP khoảng 15 tỷ USD. Như vậy, nếu rút ngắn 29 ngày làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp, GDP của Việt Nam sẽ tăng được khoảng 27 tỷ USD.
Tại buổi làm việc trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nếu môi trường kinh doanh không cạnh tranh không thể thu hút đầu tư, không thể nâng cao sức cạnh tranh - quyết định sự phát triển của đất nước. Một trong những hạn chế, cản trở đó là thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 300 tỷ USD, gấp đôi GDP, trong khi xuất nhập khẩu hàng hóa đều phải thông qua hải quan. “Khách du lịch đến nước ta khoảng 8 triệu, nhìn qua các nước ASEAN 15-16 triệu, Thái Lan 22-23 triệu. 8 triệu khách so với trước tuy có tăng, nhưng so với họ thì thấy thế nào?” - Thủ tướng nói.
Cách đặt vấn đề của người đứng đầu Chính phủ cho thấy đã đến lúc phải thay đổi tư duy về cải cách. Không thể viện lý do khó khăn hay tự thỏa mãn với chính mình để làm cản trở quá trình cải cách. Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam không thể đứng chót trong ASEAN như thế này và rõ ràng trong bản thân chúng ta cũng thấy bức xúc, chậm chạp, phiền hà, khó khăn. Chắc chúng ta đã nghe thấy tiếng kêu của doanh nghiệp, của người dân trong lĩnh vực cải cách hành chính. Không phải chúng ta không quan tâm mà có quan tâm, có tiến bộ nhưng chúng ta chỉ so với chúng ta là không được. Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN-6, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar, làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”.
Để cải cách đi vào thực chất là điều không dễ dàng. Trên thực tế, các thủ tục về hải quan không phải do tự hải quan đặt ra mà do nhiều bộ, ngành đặt ra, hải quan chỉ thay mặt các bộ, ngành để kiểm tra, thực hiện. Vì thế, theo Thủ tướng, “các bộ ngành không vào cuộc làm sao làm được, không sửa các quy định hải quan làm sao dám sửa”. Bên cạnh đó, cũng cần xác định cải cách là quá trình lâu dài, liên tục không chỉ dừng ở 2 Nghị quyết 19. Đúng như lời của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, khi bình luận về Nghị quyết 19 mới: “Cải cách là quá trình liên tục tiếp diễn. Ngay cả ở những nước đã phát triển, khi những thay đổi cải cách đã được thực hiện, vẫn luôn xuất hiện những thách thức mới”.