(ĐTTCO)-Làm việc với Bộ Công Thương sáng 2/12, tại Hà Nội, đại diện thành phố Hà Nội cho biết, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam triển khai trong gần 7 năm qua đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, không gì khác các doanh nghiệp trong nước phải chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ, giảm giá thành và thay đổi mẫu mã, qua đó thu hút người tiêu dùng nhiều hơn.
Cạnh tranh bằng giá cả
Theo ông Nguyễn Kim Hoàng, Phó Trưởng Ban dân vận Thành ủy Hà Nội, để cuộc vận động chuyển biến về chất thì không gì khác bản thân doanh nghiệp phải là người tiên phong trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa.
Ông Hoàng cho rằng, cùng một mặt hàng, nếu giá cả tương đương thì có thể khuyến khích, vận động người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, nhưng ngược lại, hàng Việt giá quá cao, người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua hàng có xuất xứ nước ngoài.
"Nếu giá cả, mẫu mã, chất lượng phù hợp thì hàng Việt đi đâu cũng có thể được chấp nhận và bám rễ tốt nhưng nếu đắt quá thì khó chiếm lĩnh thị trường," lãnh đạo Ban Tuyên giáo Hà Nội nêu ý kiến.
Cùng quan điểm trên, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh đến yếu tố giả cả và chất lượng của hàng Việt hiện nay.
Theo ông, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt, không gì khác việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tồn tại và kinh doanh thành công.
Bản thân hàng Việt Nam cũng vậy, ông Linh cho rằng, người tiêu dùng chỉ chấp nhận khi hàng Việt Nam tốt, có mẫu mã đẹp và đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường.
"Dù truyền thông đến mấy đi nữa mà không có hàng tốt thì chắc chắn không thành công, do vậy Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với Hà Nội để triển khai nhiều chương trình nâng cao giá trị gia tăng của hàng Việt Nam," ông Linh cho hay.
Loại bỏ hàng kém chất lượng
Sau gần 7 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Thành phố Hà Nội đã triển khai thành công nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, các chương trình này đã thu hút được sự quan tâm của người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã tổ chức 3 tuần hàng Việt tại huyện Quốc Oai, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây trong dịp lễ, kỷ niệm lớn của Thủ đô.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng đến công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu bằng việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tổ chức dự trữ và bán ra thường xuyên, liên tục các mặt hàng thiết yếu tại 1.165 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân trên địa bàn, trong đó có 207 điểm bán hàng tại các huyện ngoại thành.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp các Sở, ban, ngành, địa phương để tổ chức liên kết hỗ trợ các doanh nghiệp về sản xuất kinh doanh trong thời kỳ hội nhập," bà Oanh cho hay.
Đánh giá cao những công việc mà Hà Nội đã làm triển khai trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất, quảng bá thương hiệu. Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân nâng cao nhận thức về hàng Việt cùng hàng loạt các chương trình khuyến mãi, đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp đã tạo ra sức hút lớn để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, để có sức lan tỏa mạnh hơn, theo bà Nga, thành phố cần tổng hợp được các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cũng như đánh giá được tỷ lệ ưu tiên sử dụng hàng Việt trên địa bàn Hà Nội, nhất là việc sử dụng nguyên nhiên liệu trong việc sản xuất hàng Việt.
"Hà Nội vẫn là địa phương có giá cả đắt đỏ so với nhiều tỉnh thành trong cả nước, nên thời gian tới các chương trình bình ổn và kiểm soát thị trường cần đẩy mạnh hơn," bà Nga góp ý kiến.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, mục đích của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là để nâng cao ý thức tự hào dân tộc trong sử dụng hàng Việt đối với người tiêu dùng Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt cũng như của các cơ quan quản lý.
Để tạo ra sức lan tỏa lớn hơn, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị thành phố Hà Nội cần rà soát lại cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp qua đó có thể tạo động lực mới trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh doanh.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Cuộc vận động là ưu tiên dùng hàng Việt Nam, do vậy điều đầu tiên là doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng hàng hóa của chính mình để có chỗ đứng trên thị trường.
"Ban Bí thư Trung ương Đảng đang bàn nhiều giải pháp để cuộc vận động đi vào hiệu quả hơn, hướng tới việc Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt có chất lượng tốt, loại bỏ hàng kém chất lượng," Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.