Không thể làm đẹp, xin đừng làm xấu

(ĐTTCO) - Nằm ngay góc đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) trước đây là một cửa hàng thời trang hàng hiệu sang trọng, bắt mắt.

Thế nhưng, hiện giờ nó đã trở thành bãi giữ xe và lớp cửa kính bên ngoài giờ chằng chịt những hình vẽ graffiti xấu xí, nhem nhuốc.

Hãy làm đẹp thành phố với những bức bích họa (bên trái), thay vì hình vẽ graffiti cẩu thả (bên phải)

Hãy làm đẹp thành phố với những bức bích họa (bên trái), thay vì hình vẽ graffiti cẩu thả (bên phải)

Đành rằng kiểu vẽ, viết chữ nguệch ngoạc lên những bề mặt trống đều được gọi chung là graffiti - một thể loại nghệ thuật thị giác, hay gọi đơn giản hơn là hình vẽ trên tường. Thế nhưng, những hình vẽ này đã làm xấu đi hình ảnh và ý nghĩa vốn có của bộ môn nghệ thuật này.

Ngay trên trục đường Hai Bà Trưng, rất nhiều mặt bằng bỏ trống trở thành điểm hạ cánh của các sản phẩm “rác”, được gọi chung cái tên graffiti. Không chỉ cửa cuốn, cửa kính, tường là địa điểm lý tưởng để vẽ bậy, các trạm biến thế cũng nhem nhuốc các hình vẽ.

Hình ảnh xấu xí ở khu vực đường Hai Bà Trưng cũng dễ dàng được bắt gặp khi đi dọc nhiều tuyến phố, kiểu vẽ ấy nhan nhản khắp nơi. Nhưng “bãi đáp” lý tưởng nhất ngoài những ngôi nhà trống chính là gầm cầu, các công trường xây dựng được quây lên bằng tôn, nhà chờ xe buýt... Miễn là có bức tường trống, những hình vẽ này mặc nhiên xuất hiện. Đỉnh điểm có lẽ là việc đoàn tàu metro tại depot Long Bình (TP Thủ Đức) chưa kịp đi vào hoạt động đã bị vẽ bậy.

Cũng là nghệ thuật đường phố, nhưng nếu có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm bích họa trên tường, mặt tiền các khu chung cư, các con hẻm ở TPHCM, sẽ thấy chúng thật sự đẹp mắt và ý nghĩa. Được xây dựng từ những năm 1990 và đã nhuốm màu thời gian, nhưng hai tác phẩm bích họa trên mặt tiền chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1) đặc biệt thu hút người đi đường.

Với màu sắc tươi sáng, hình ảnh vui nhộn, nó khiến khu chung cư cũ dường như được khoác trên mình chiếc áo mới, khác hẳn những khu nhà liền kề. Cũng nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, căn biệt cũ số 48, mặt hông nằm trên đường Mai Thị Lựu, cũng trở thành tiểu cảnh đặc sắc với những hình họa sống động. Căn biệt thự và cả góc phố dường như mang một luồng sinh khí mới.

Ở TPHCM, có những con hẻm bích họa được nhiều người nhớ mặt đặt tên. Nổi tiếng là hẻm bích họa ở đường Nguyễn Khoái (quận 4) với hàng chục bức tranh sinh động, thay thế cho những bức tường hoen ố. Đường 3-2 (quận 10), đường Bình Đông (quận 8), đường Pasteur (quận 1), đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1)… cũng được khoác áo mới bởi các bức tranh tường thuộc nhiều chủ đề khác nhau.

Đó là chưa kể, nhiều trường mầm non, tiểu học trên thành phố, hay nhiều con phố, tuyến đường cũng xuất hiện rải rác tranh tường. Thậm chí, một trạm gác xe lửa trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) cũng được trang trí bằng hình ảnh màu sắc. Có những tác phẩm do người dân tự sáng tác; có những con hẻm, khu phố, những bức bích họa là kết quả của việc vận động, chung sức, đồng lòng của chính quyền, người dân với mong muốn mang đến diện mạo mới khang trang cho bộ mặt đô thị.

Không chỉ mang ý nghĩa làm đẹp cho phố phường, nhiều bức bích họa cũng chính là những bức tranh cổ động được biến hóa một cách linh hoạt. Rất nhiều khẩu hiệu về bảo vệ môi trường, trồng cây gây rừng, phòng chống dịch bệnh, phân loại rác đúng cách, nhắc nhở khi tham gia giao thông… được lồng ghép một cách khéo léo và minh họa sống động.

Và đôi khi, có cả những lời thơ, ý nhạc được lồng ghép khiến những bức tường cũ kỹ, xấu xí cũng trở nên vần điệu, bay bướm. Thậm chí, có một giai đoạn còn rộ lên phong trào vẽ trang trí trên những nắp cống, cây cột điện. Và, những tác phẩm như thế đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở thành phố này.

Mỗi loại hình nghệ thuật khi sinh ra đều mang ý nghĩa tốt đẹp. Làm đẹp cho đời cũng chính là cách để chúng có thể tồn tại, ghi dấu ấn. Như graffiti, tự thân nó không mang dáng hình xấu xí khi hiện diện ở khắp nơi trong thành phố này như hiện nay. Nhưng những tác phẩm graffiti đích thực, như những bức bích họa kia lại xuất hiện quá ít ỏi.

Nghệ thuật không có lỗi, tất cả nằm ở suy nghĩ, ý thức và hành động của người tạo ra nó. Nghệ thuật được đặt để đúng chỗ sẽ làm tăng giá trị của nó. Và ngược lại, nó chỉ gây ra sự phản cảm, thậm chí là phá hoại. Điều ấy càng quan trọng với nghệ thuật đường phố, đặc biệt là graffiti.

Các tin khác