Công nghệ tiên tiến
Trong vòng 2 năm trở lại đây, người điều khiển ô tô ở Việt Nam ngày càng nghe nhiều hơn đến công nghệ thu phí ETC. Đây là dự án lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông vào mảng giao thông, là bước tiến đột phá trong hình thành giao thông thông minh trên các trục quốc lộ lớn nhất ở nước ta.
Công nghệ ETC không chỉ tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho người tham gia giao thông, mà còn giúp tiết kiệm cho nhà đầu tư BOT trong chi phí in vé, chi phí nhân sự, chi phí bảo trì mặt đường khu vực trạm thu phí, đồng thời tránh được thất thoát.
Hệ thống ETC đang áp dụng tại các trạm thu phí dọc Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên (Quốc lộ 14) được sử dụng công nghệ RFID, do Công ty TNHH thu phí tự động VETC quản lý theo giai đoạn 1 dự án thu phí ETC.
VETC được thành lập với mục tiêu trở thành đơn vị triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC tại Việt Nam, theo hình thức liên danh với nhà thầu xây dựng Tasco. ETC được áp dụng công nghệ RFID sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ E-tag.
Thông thường với ô tô, thẻ E-tag được dán lên kính hoặc đèn xe. Bắt đầu được khai thác từ tháng 7-2016, ban đầu có 5 trạm thu phí thực hiện hợp đồng thu phí thương mại là các trạm Quảng Đông (Quảng Bình), Toàn Mỹ (Km 1813+650, Đắk Nông), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); trên đường Hồ Chí Minh là các trạm Km 1610+800 (Đức Long Gia Lai 1), trạm Km 1667+470 (Đức Long Gia Lai 2).
Tốc độ xe qua các trạm này đạt đến 50km/h và độ chính xác của hệ thống đã đạt trên 99,8%. Sau đó, lần lượt các trạm ETC khác được chuyển giao và đi vào hoạt động như trạm Hòa Phước (Đà Nẵng), Mỹ Lộc (Nam Định), Tân Đệ (Thái Bình)...
Theo lộ trình Bộ GT-VT đưa ra, đến cuối năm 2018 các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí không dừng và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn barie tại các trạm thu phí.
Muôn vàn lý do trì hoãn
Hiện tại, hệ thống quốc lộ có 88 trạm thu phí, trong đó có 62 trạm đang thu phí, 26 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư. Trên hệ thống cao tốc có 12 hệ thống thu phí, trong đó có 6 hệ thống đã thu phí, 6 hệ thống chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư. Đáng nói, trong 88 trạm thu phí BOT trên hệ thống quốc lộ mới chỉ có 1 trạm thu phí không dừng ở Quảng Bình của CTCP Tasco, còn lại vẫn là trạm thu phí một dừng.
Các chủ đầu tư BOT đã đưa ra nhiều lý do để chậm trễ áp dụng thu phí ETC, như việc chỉ có một nhà cung cấp giải pháp sẽ dẫn đến độc quyền, hay cần nhiều công nghệ để cạnh tranh, thậm chí không thuận theo mức phí quản lý mà bộ chủ quản đưa ra. Hàng chục cuộc họp kiểm điểm tiến độ đã diễn ra căng thẳng trong suốt 3 năm qua và các mốc tiến độ lại được lùi.
Rất nhiều lý do để trì hoãn và theo người trong ngành có lý do ẩn dụ, mà cốt lõi nhất là các chủ đầu tư BOT không muốn sự minh bạch trong thu phí.
Theo ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc CTCP Tasco - nhà đầu tư và vận hành hệ thống ETC - nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ do một số nhà đầu tư BOT muốn độc quyền. Dẫn chứng tại trạm thu phí Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Tasco đã thực hiện thu phí tự động vé tháng từ tháng 10-2016, tuy nhiên nhà đầu tư BOT chưa cho hưởng phí vì phải chạy thử nghiệm 6 tháng. Thậm chí, trạm này còn yêu cầu Tasco phải tắt hệ thống camera giám sát toàn cảnh, chỉ cho soi ở làn thu phí không dừng, không được soi ở làn thu phí một dừng.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đưa ra tối hậu thư: Nhà đầu tư BOT nào chưa cảm thấy thỏa mãn với điều khoản đàm phán có quyền tìm một nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, dù lắp công nghệ ETC của đơn vị nào các nhà đầu tư BOT phải hoàn thiện trước tháng 10-2017, không thể trì hoãn.
Từ sau ngày 30-10, đơn vị nào chưa lắp Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ GT-VT cho dừng thu phí.
Theo tính toán của Bộ GT-VT, nếu tất cả trạm thu phí hiện nay áp dụng công nghệ thu phí tự động, mỗi năm sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng; tiết kiệm 233 tỷ đồng chi phí nhiên liệu; tiết kiệm thời gian tham gia giao thông tương đương 2.800 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng. Rõ ràng chủ trương thực hiện ETC mang lại lợi ích hết sức to lớn cho ngành GT-VT.
Theo tính toán của Bộ GT-VT, nếu tất cả trạm thu phí hiện nay áp dụng công nghệ thu phí tự động, mỗi năm sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng; tiết kiệm 233 tỷ đồng chi phí nhiên liệu; tiết kiệm thời gian tham gia giao thông tương đương 2.800 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng. Rõ ràng chủ trương thực hiện ETC mang lại lợi ích hết sức to lớn cho ngành GT-VT.
Nhưng một trong những rào cản không hề nhỏ trong việc lựa chọn phương thức trả phí và thu phí là thói quen sử dụng tiền mặt. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến, nếu chúng ta không sớm rũ bỏ những suy nghĩ, thói quen lạc hậu này, việc tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực là điều thấy rõ.