Những khu đô thị "ma", nhà "ma" tập trung nhiều ở huyện Hoài Đức, Thanh Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
TS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng với thủ đô Hà Nội tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô rộng nhưng giữa quy hoạch, kế hoạch chưa hài hòa với nhau. "Khu vực nào để phát triển, khu vực nào để ổn định tuy nhiên hiện nay giữa quy hoạch và kế hoạch còn bất cập, chưa đồng bộ" - TS Nghiêm nói.
TS Nghiêm bày tỏ, phải có kế hoạch để xác định trọng điểm, vùng nào đợt một vùng nào đợt hai. Tạo ra cơ chế phù hợp với định hướng phát triển, đặc biệt với nhà ở. Nhà nước phải điều hành được thị trường bất động sản nhưng hiện nay đang gặp bất cập trong điều hành cơ chế.
Giữa cung và cầu không gắn lại được với nhau, có lúc cung nhiều hơn cầu và ngược lại. Ví dụ như nhà ở xã hội cần rất nhiều, lúc làm nhiều thì lại xảy ra tình trạng người dân chê nhà ở xã hội.
"Thể chế, cơ chế xử lý vấn đề này hiện nay không đồng nhất. Ví dụ trong các khu đô thị, nhà ở không hoàn thiện, không khai thác sử dụng cả mười mấy năm vẫn chưa bị xử lý.
Ở Nga quy định mỗi một gia đình chỉ được đăng ký một chỗ ở, còn những nơi khác muốn có nhà phải chịu sự quản lý của nhà nước. Nhưng ở nước ta thì không quy định, muốn mua bao nhiêu cũng được.
Nếu chúng ta không khắc phục bịt lại những lỗ hổng thì không chỉ Hà Nội mà nhiều đô thị, tỉnh thành khác như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ xuất hiện thêm nhiều khu đô thị "ma"" - TS Nghiêm chia sẻ.
Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trước tình trạng khu đô thị "ma" xuất hiện ngày một nhiều, Nhà nước cần phải can thiệp bằng luật pháp, tạo ra những cơ chế đủ sức điều chỉnh thị trường bất động sản hiện nay. Ví dụ như đánh thuế bất động sản thứ 2, thứ 3.