Sáng 12-4, tại buổi làm việc với Ban Quản ký Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tán đồng với định hướng đến năm 2030, đơn vị là nơi dẫn dắt, định hướng cho nông nghiệp của TPHCM và khu vực phát triển theo hướng hiện đại.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GT-VT; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM. Cùng dự còn có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi nông nghiệp
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước các thành quả Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM (Khu NNCNC) đã làm được trong thời gian qua, nhất là thành quả trong sản xuất giống cây, giống con, đặc biệt là cây thực phẩm, cây hoa tươi đưa vào sản xuất. Khu NNCNC TPHCM đã góp phần đóng vai trò đưa nông nghiệp của TPHCM và miền Đông Nam bộ có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng.
Bước đầu Khu NNCNC TPHCM đã đi tiên phong trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, khắc phục tính mùa vụ, thích ứng với thời tiết, biến đổi khí hậu và đây cũng là con đường tất yếu của nông nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, sứ mệnh của Khu NNCNC TPHCM không chỉ giới hạn trong việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM, mà còn đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi nông nghiệp của miền Đông và miền Tây Nam bộ theo hướng chất lượng, giá trị, thân thiện môi trường.
Theo Chủ tịch nước, sứ mệnh này rất lớn lao chứ không phải chỉ trong khu vực những nhà kính, trong phạm vi nhỏ hẹp. Dù nông nghiệp ở TPHCM chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong GRDP của thành phố nhưng ở một tầm xa hơn, Khu NNCNC TPHCM là 1 trong 10 khu nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, mang tính dẫn đầu của cả nước. Vì thế, sứ mệnh của Khu NNCNC TPHCM cần rõ nét với các hoạt động cụ thể hơn.
Gợi mở các trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân yêu cầu Thành ủy, UBND TPHCM và Ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM chủ động hơn trong việc huy động mọi nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn xã hội hóa để phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng hiện đại. Nghiên cứu hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao bằng cơ chế hấp dẫn, thu hút mọi thành phần tham gia.
Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất để phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng, phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao; nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Cần Giờ, Bình Chánh trong thời gian tới.
TPHCM cũng cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với Khu NNCNC TPHCM, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện dự án đúng cam kết, đúng tiến độ đăng ký.
Chủ tịch nước cũng lưu ý Khu NNCNC TPHCM tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường đại học trong và ngoài nước để nâng cao chuỗi giá trị; đào tạo ra nhiều nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, cần tham mưu chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là đối với các sản phẩm mới, giống mới mà có giá trị cao thì cần có chính sách thế nào, để áp dụng trong thực tiễn.
Đặc biệt, Chủ tịch nước nhấn mạnh tới việc nhân rộng các nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, đưa các nghiên cứu này vào ứng dụng, phổ cập trong thực tế, tạo hiệu quả trong thực tế. Bởi hiện nay, 60% dân số nước ta là nông dân và người dân rất mong chờ các cách làm, các ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
“Cần nghiên cứu để phục vụ người dân. Khi hiệu quả được nhân lên thì giá trị nghiên cứu càng có ý nghĩa thực tiễn lớn lao. Đó cũng chính là điều người dân mong muốn”, Chủ tịch nước gợi mở.
Chủ tịch nước tán đồng với định hướng đến năm 2030, Khu NNCNC TPHCM là nơi dẫn dắt, định hướng cho nông nghiệp của TPHCM và khu vực phát triển theo hướng hiện đại.
“Những gì bắt đầu từ Khu Nông nghiệp Công nghệ cao sẽ góp phần thay đổi nông nghiệp TPHCM và thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng.
Tiên phong của cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản
Báo cáo với đoàn, ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao (BQL Khu NNCNC) TPHCM cho biết, Khu NNCNC là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên phong của cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản. Khu NNCNC TPHCM hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững trước yêu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm quy mô nhưng lại tăng về giá trị trong cơ cấu kinh tế TPHCM, xứng đáng là đầu tàu dẫn dắt cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khu NNCNC đã thành lập được ngân hàng nguồn gen bảo tồn và lưu trữ các giống cây, giống con quý hiếm phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, lai tạo và sản xuất, tạo ra các nguồn giống mới có đặc tính vượt trội và giá trị kinh tế cao. Hoàn thiện hơn 100 quy trình kỹ thuật, sẵn sàng để chuyển giao ứng dụng cho các đơn vị, tổ chức cá nhân có nhu cầu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu NNCNC và các đơn vị trực thuộc đã sản xuất và cung cấp hơn 369 tấn hạt giống F1 các loại; hơn 6 triệu hạt giống dưa lưới F1; cung cấp 10-20 triệu cây lan giống hàng năm; cung cấp 3-5 triệu con cá giống/năm… Các sản phẩm đều cho năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, khả năng kháng bệnh tốt… đạt tiêu chuẩn cung cấp phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Khu NNCNC TPHCM đã chuyển giao cho hơn 65 tổ chức, doanh nghiệp và hộ nông dân tại TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam, Tây Nguyên, khu vực duyên hải Trung Bộ, các tỉnh phía Bắc nhiều mô hình và quy trình ứng dụng tự động hóa trên rau, hoa, cây kiểng như hệ thống tưới nhỏ giọt, nấm ăn và nấm dược liệu...
Thời gian qua, Khu NNCNC TPHCM đã thu hút, kết nối với hơn 30 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để tư vấn định hướng nghiên cứu khoa học, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, tư vấn nghiên cứu thị trường, xây dựng mô hình kinh doanh, kênh phân phối...