Cuộc khủng hoảng tại Khu vực đồng euro (Eurozone) bắt đầu có những dấu hiệu lan sang khu vực Trung và Đông Âu, nơi luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao tại châu lục này.
Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế thuộc hai khu vực này bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc, nhất là Ba Lan (ảnh) và Estonia.
Ba Lan là nước duy nhất trong 27 thành viên EU luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu nổ ra năm 2008, nhưng nền kinh tế của nước này đang trong giai đoạn giảm nhịp độ tăng trưởng rõ rệt.
Trong quý đầu năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ba Lan, đầu tàu kinh tế tại khu vực Trung và Đông Âu, chỉ tăng 0,1% so với quý trước đó. Trong năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng GDP của nước này chỉ đạt 1,9%, giảm mạnh so với 4,5% năm 2011.
Ông Ludwik Kotecki, chuyên gia kinh tế hàng đầu thuộc Bộ Tài chính Ba Lan, cho biết Ba Lan đang hy vọng sẽ có cải thiện trong sáu tháng cuối năm 2013, nhưng với điều kiện kinh tế các thị trường nhập khẩu chính của Ba Lan phải phục hồi. Trong khi đó, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Ba Lan có thể đạt mức tăng trưởng 1,3% trong năm nay, nhưng do phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc Khu vực đồng euro, đặc biệt là Đức, nên nước này khó có thể đạt được mức tăng trưởng như trên.
Estonia, nước thứ 17 gia nhập Eurozone, có tỉ lệ tăng trưởng kỷ lục 8,1% trong năm 2011, cao nhất trong số các nước thuộc EU. Tuy nhiên, trong quý I/2013, GDP của nước này đã giảm 1%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 10,2% so với 9,3% của quý trước đó. Tăng trưởng 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1%, giảm rõ rệt so với mức 3,2% cùng kỳ năm ngoái.
Cộng hòa Séc, gia nhập EU từ năm 2004 nhưng chưa là thành viên khu vực đồng euro, bắt đầu rơi vào suy thoái từ cuối năm 2011. Do phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất và xuất khẩu ôtô, nên khi khủng hoảng nổ ra, Cộng hòa Séc đã rơi vào tình trạng suy thoái được coi là dài nhất và tồi tệ nhất kể từ năm 1993. Trong năm ngoái, GDP nước này đã giảm 1,2% so với mức tăng trưởng 1,9% của năm 2011. Quý đầu năm nay, GDP của nước này tiếp tục giảm 0,8%. Đây là quý thứ 6 liên tiếp GDP của Séc suy giảm. Petr Dufek, chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng CSOB cảnh báo: "Suy thoái kinh tế Séc vẫn chưa chạm đáy nên nó sẽ còn trầm trọng hơn."
Slovakia, nước thành viên Eurozone, có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất ô tô và đồ điện tử, cũng bắt đầu chững lại trong quý I/2013 khi GDP chỉ tăng 0,3% so với quý trước đó. Cả năm 2012, GDP của Slovakia chỉ tăng 2% so với 3,2% trong năm trước.
Tăng trưởng kinh tế tại Cộng hòa Látvia, đang hy vọng được gia nhập Eurozone vào tháng 1/2014, cũng bắt đầu chững lại. Tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,2% trong 3 tháng đầu năm, trong khi năm 2012 có mức tăng trưởng rất cao, đạt 5,6%, đứng đầu toàn bộ các nước EU.
Những thông tin xấu về kinh tế của các nước trên được đưa ra sau khi Cơ quan thống kê của EU (Eurostat) cho biết, trong quý 1/2013, GDP của khu vực đồng euro giảm 0,2%, đánh dấu đợt suy thoái dài nhất trong lịch sử khu vực này kể từ khi thành lập năm 1995. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng trưởng 0,1%, thấp hơn so với dự báo. Trong khi đó, kinh tế Pháp tiếp tục rơi vào suy thoái lần thứ 3 với mức giảm 0,2% và kinh tế Italia giảm 0,5%, cao hơn so với dự báo.
Tuy nhiều, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực Trung và Đông Âu có dấu hiệu chững lại, thì cũng xuất hiện những điểm sáng. Theo Capital Economics, tình hình kinh tế tại Hungary và Romania có những cải thiện đáng kể. Hungary đã vượt qua giai đoạn suy thoái và bắt đầu khôi phục lại, với mức tăng trưởng GDP đạt 0,7% trong quý I/2013, trong khi mức tăng của Romania là 0,5%.