Quy mô cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu theo sau xung đột Ukraine không thể bị đánh giá thấp. Liên Hợp Quốc cho biết xung đột này sẽ dẫn đến “cơn bão nạn đói’, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, vì 30% xuất khẩu lúa mì toàn cầu xuất phát từ Ukraine và Nga.
Làm trầm trọng hơn vấn đề là việc chủ nghĩa bảo hộ đang ngày một gia tăng và làm bóp méo giá cả một cách nghiêm trọng. Từ Ấn Độ tới Malaysia và Indonesia, chính phủ một số nước đã bắt đầu siết xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn và gia cầm.
Khủng hoảng này nghiêm trọng đến mức David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, cho biết tình hình đang trở thành “cơn bão hoàn hảo trong cơn bão hoàn hảo khác”.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine làm bùng phát cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi 30% xuất khẩu lúa mì toàn cầu xuất phát từ Ukraine và Nga. Ảnh: Reuters.
Khủng hoảng này nghiêm trọng tới đâu?
Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 44 triệu người ở 38 quốc gia đang phải chịu đói ở mức độ khẩn cấp. Tâm điểm của vấn đề là cuộc giao tranh tại Ukraine.
Ngoài cung cấp gần 30% lúa mì, Ukraine và Nga cũng xuất khẩu khoảng 20% ngô và khoảng 76% dầu hướng dương của thế giới. Bên cạnh cung cấp khoảng 20% phân đạm toàn cầu, Nga cùng hàng xóm Belarus chiếm 40% thị trường xuất khẩu phân kali thế giới.
Nguồn cung của những mặt hàng này bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt vào Minsk và Moscow, cũng như từ việc Nga giới hạn xuất khẩu phân bón.
Paul Teng, chuyên gia an ninh lương thực từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Phi truyền thống thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nói giá phân bón tăng cao đã khiến một bộ phận nông dân ở Thái Lan trồng ít lúa đi. Điều này nhiều khả năng sẽ tác động đến mùa thu hoạch sắp tới, cũng như kho dự trữ gạo của Thái Lan.
“Thái Lan xuất khẩu 9% lượng gạo dôi dư. Nhưng nếu lượng gạo thu hoạch giảm, nước này sẽ xuất khẩu ít đi”, ông Teng nói.
Trả lời Financial Times, ông Beasley cho biết thế giới có thể có thêm 50 triệu người chịu đói do xung đột Ukraine, bên cạnh 276 triệu người đang trong cảnh đói vì đại dịch.
Nga phong tỏa cảng Ukraine có làm khủng hoảng tệ hơn?
Ông Teng nhận định việc Nga phong tỏa cảng của Ukraine đang khiến cho các chuỗi cung ứng trở nên mong manh hơn.
Từ khi giao tranh bùng nổ từ ngày 24/2, một số cảng biển lớn nhất của Ukraine đã rơi vào tay Nga. Hải quân Nga đang kiểm soát những tuyến đường vận chuyển trên biển quan trọng trên Biển Đen, nơi rất nguy hiểm cho việc đi lại của tàu bè thương mại vì lượng ngư lôi dày đặc.
Liên minh châu Phi đã cảnh báo “kịch bản thảm họa” cho khu vực này nếu các cảng của Ukraine tiếp tục bị phong tỏa. Nguyên nhân là 44% lượng lúa mì các nước châu Phi sử dụng được nhập từ Nga và Ukraine.
Làm gì để khắc phục vấn đề?
Ngân hàng Thế giới hôm 18/5 cho biết sẽ dành ra 30 tỷ USD để giúp khắc phục khủng hoảng lương thực, bao gồm 12 tỷ USD cho các sáng kiến mới và 18 tỷ USD cho những dự án hiện tại.
Bên cạnh Ngân hàng Thế giới, một số tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới cũng đang cố gắng giúp đỡ các nước gặp nguy cơ với nhiều sáng kiến.
Bộ Tài chính Mỹ từ tháng 2 cũng cam kết dành hơn 2,6 tỷ USD cho các chương trình khẩn cấp hỗ trợ lương thực thế giới.
Nhưng ông Teng cho rằng số tiền 30 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới chỉ là một phần rất nhỏ so với mức cần thiết. Ông chỉ ra rằng FAO từng ước tính mỗi năm thế giới cần 265 tỷ USD để xóa bỏ nạn đói.
“Nó là hạt muối bỏ bể nhưng bất cứ lượng tiền nào cũng sẽ có thể giúp đỡ, đặc biệt là khi sự giúp đỡ ấy được tập trung, ông Teng nói. “Quá trình thực thi phải được tập trung, không dàn trải. Nếu không, tác động của khoản trợ cấp sẽ bị loãng”.
Đồng tình, giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng thuộc Đại học Sunway (Malaysia) cho rằng số tiền trợ cấp trên quá nhỏ bé. Số tiền ấy vẫn có tác dụng giúp tăng sản lượng và giảm tình trạng thiếu lương thực ở quy mô địa phương và quốc gia, nhưng không thể khắc phục “sự gián đoạn quy mô lớn trong sản xuất lương thực của khu vực”, theo giáo sư Yeah.
Ngoài ra, một số bên cũng lo ngại số tiền trợ cấp không thể được phân phối đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của các nước.
Khủng hoảng kéo dài tới khi nào?
Trong một báo cáo công bố hôm 7/6, chuyên gia phân tích tín dụng Samuel Tillaray của S&P Global Ratings cho biết tình trạng giá lương thực leo thang và nguồn cung giảm sút nhiều khả năng sẽ kéo dài tới hết năm 2024.
“Kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy các nước thu nhập thấp hoặc trung bình ở Đông Á, Trung Đông, châu Phi và vùng Kavkaz có thể sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất trong lượt tác động đầu tiên”, ông Tillaray nói.