Đến thăm New York vào năm 1990, tổng thống Nam Phi lúc bấy giờ là Nelson Mandela đã được hỏi tại sao ông lại làm việc với những nhân vật mà Mỹ coi là đối thủ - Fidel Castro của Cuba, nhà lãnh đạo Yasser Arafat của Palestine và Muammar Gaddafi của Libya.
Ông nói: “Một trong những sai lầm mà một số nhà phân tích chính trị mắc phải là nghĩ kẻ thù của họ phải là kẻ thù của chúng ta. Thái độ của chúng tôi đối với bất kỳ quốc gia nào được quyết định bởi thái độ của quốc gia đó đối với cuộc đấu tranh của chúng tôi”
Hơn ba thập kỷ trôi qua, nhà lãnh đạo hiện tại của Nam Phi, Cyril Ramaphosa, đang bảo vệ lập trường trung lập của đất nước về khủng hoảng Nga-Ukraine. Nam Phi đã bỏ phiếu trắng trong một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc để lên án hành động của Nga và đã bị cáo buộc là "đi ngược chiều" về lập trường của nước này.
Ông Ramaphosa cho biết Nam Phi muốn trở thành một bên hòa giải và bằng cách giữ thái độ trung lập, quốc gia này sẽ ở một vị trí tốt hơn để giúp làm trung gian chấm dứt xung đột.
“Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Có những người đang nhấn mạnh rằng chúng ta nên có một lập trường và lập trường rất đối nghịch chống lại Nga. Cách tiếp cận mà chúng tôi đã quyết định thực hiện, được nhiều người đánh giá cao, đó là chúng tôi nhấn mạnh rằng cần có đối thoại”, ông Ramaphosa trả lời các câu hỏi tại quốc hội vào tháng trước.
Theo Aanu Adeoye, thành viên của Học viện Mo Ibrahim Foundation với chương trình Nga-Âu-Á tại Chatham House, “bằng cách bỏ phiếu trắng, Nam Phi bỏ qua sự mất cân bằng quyền lực giữa các bên tham chiến và sự hung hăng rõ ràng của Nga trong cuộc xung đột với Ukraine”.
Ông Adeoye cho biết Nam Phi và các thành viên khác của liên minh BRICS coi mình là cường quốc đang lên, cung cấp một giải pháp thay thế cho các cường quốc thống trị truyền thống, lưu ý rằng trong số BRICS, chỉ có Brazil đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Nhưng không chỉ Nam Phi - hàng chục quốc gia châu Phi đã do dự khi công khai lập trường của họ về sự xung đột Nga-Ukraine.
Zaynab Mohamed, một nhà phân tích chính trị tại Oxford Economics Africa, cho biết “cuộc xung đột đặt một số quốc gia châu Phi vào một câu hỏi hóc búa về ngoại giao, vì họ có quan hệ chặt chẽ với cả Nga và phương Tây”.
Ông Mohamed cho biết hầu hết các quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc lên án Nga vào ngày 2-3 là các nền dân chủ liên minh phương Tây, và các trường hợp ngoại lệ từ châu Phi dường như đang ưu tiên lợi ích quốc gia hơn ý thức hệ.
David Shinn, một giáo sư tại Trường Vấn đề Quốc tế Elliott của Đại học George Washington, cho biết một nửa số chính phủ ở châu Phi đã bỏ phiếu trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hai lần để lên án cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nửa còn lại vẫn trung lập và riêng Eritrea ủng hộ Nga.
Một số chính phủ lo sợ sẽ chọc giận Moscow, trong khi những chính phủ khác phụ thuộc nhiều vào Nga về vũ khí - mặc dù Ai Cập nằm trong nhóm đó và đã bỏ phiếu cả hai lần để lên án hành động của Nga, ông nói.
Mohammed Soliman, một học giả tại Viện Trung Đông, cho biết từ quan điểm của họ, “Các nhà lãnh đạo châu Phi coi khủng hoảng Ukraine là một phần bình thường mới của rối loạn toàn cầu, nơi không một cường quốc nào có thể hoàn toàn áp đặt ý chí của mình lên các cường quốc khác”.
Joseph Siegle, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi tại Đại học Quốc phòng ở Washington, cho biết một số quốc gia không sẵn sàng lên án Nga có những nhà lãnh đạo “thiếu tính hợp pháp trong nước”.
“Họ phụ thuộc vào sự hỗ trợ chính trị và lính đánh thuê của Moscow để nắm giữ quyền lực,” ông Siegle viết trong The Conversation, chỉ ra các nhà lãnh đạo của Cộng hòa Trung Phi, Sudan và Mali.
Ông cho biết loại thứ hai là những người có các nhà lãnh đạo có quan hệ bảo trợ với Nga. Ông nói thêm những người nắm quyền ở Algeria, Angola, Burundi, Guinea, Equatorial Guinea, Madagascar, Mozambique, Nam Sudan, Uganda và Zimbabwe được hưởng lợi từ vũ khí, thông tin sai lệch hoặc vỏ bọc chính trị của Nga.
Ông cho biết những người đã bỏ phiếu để lên án cuộc xung đột bao gồm các nền dân chủ và nhà đấu tranh dân chủ hàng đầu châu Phi - Botswana, Cabo Verde, Ghana, Malawi, Mauritius, Niger, Nigeria, Kenya, Seychelles, Sierra Leone và Zambia.
Nga đã thâm nhập vào các quốc gia như Mali, Guinea, Angola và Sudan. Ví dụ, sau các cuộc đảo chính ở Mali, đất nước này đã trở nên cô lập với phương Tây, khi Pháp và các đồng minh phải rút quân. Nga đã ủng hộ nước này khi phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm ủng hộ các lệnh trừng phạt của Ecowas đối với Mali.
Nga thường bỏ phiếu với Trung Quốc để ngăn chặn các quyết định tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến một số quốc gia châu Phi. Đây là trường hợp của Zimbabwe khi Mỹ và các quốc gia phương Tây khác muốn LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt, và gần đây là đối với Ethiopia về cuộc chiến Tigray.
Hầu hết các nước châu Phi nhập khẩu lúa mì và phân bón từ Nga và Ukraine.