Kiểm soát chặt vốn đầu tư

Khi đánh giá kết quả đầu tư công, nhiều người thường dẫn ra những bằng chứng về số lượng các công trình đã xây dựng, năng lực sản xuất và dịch vụ đã được tăng lên. Điều dễ thấy là đầu tư công trong những năm qua đã làm thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng kỹ thuật của đất nước, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khi đánh giá kết quả đầu tư công, nhiều người thường dẫn ra những bằng chứng về số lượng các công trình đã xây dựng, năng lực sản xuất và dịch vụ đã được tăng lên. Điều dễ thấy là đầu tư công trong những năm qua đã làm thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng kỹ thuật của đất nước, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãng phí nguồn lực

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) 

Đánh giá kết quả đầu tư công đòi hỏi không chỉ đo đếm số lượng những kết quả đạt được, mà còn phải xem xét mối tương quan giữa số vốn đã bỏ ra và kết quả đạt được.

Tính chung trong 20 năm qua, vốn là nhân tố chủ lực tạo sự tăng trưởng, đóng góp tới 46% mức độ tăng trưởng; nhân tố lao động khá ổn định, chỉ chiếm tỷ lệ 20%; nhân tố tiến bộ công nghệ và quản lý chiếm 34% nhưng xu hướng chung ngày càng đi xuống.

Trong 10 năm gần đây, tác động của nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu chỉ còn 20%, gần bằng nhân tố lao động 21%, trong khi nhân tố vốn đã tăng lên 59%.

Một thước đo hiệu quả vốn đầu tư được dùng phổ biến hiện nay là hệ số suất đầu tư (ICOR). Hệ số này phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn tăng thêm để tạo ra một đơn vị tăng lên của GDP. Nếu xét hiệu quả của tổng vốn đầu tư, để tăng 1 đồng GDP cần bỏ ra 5,2 đồng vốn, cho thấy hiệu quả đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2007 thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đây (chỉ vào khoảng 2-3 trong thời gian 1970-1984).

Khi ở trình độ phát triển thấp tương đương với Việt Nam hiện nay, vào những năm 1950-1975, hệ số ICOR của Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ dao động trong khoảng 1-2. Thậm chí trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, ICOR các nước cũng thấp hơn con số 5.

Đây là hệ quả tất yếu của việc chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là trong lĩnh vực đầu tư. Vốn đầu tư của DNNN được coi là “tự chủ” nên quá trình kiểm tra, kiểm soát chưa cao. Các bộ cũng không thể can thiệp vào quá trình sản xuất kinh doanh của NDNN.

Nhiều DNNN vay nợ lớn để mở rộng quy mô, đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề, phát triển các hoạt động ngoài ngành nghề chính và quản lý kém đã gây thất thoát vốn, thua lỗ. Mặc dù xu hướng xấu này đã được cảnh báo từ lâu, thậm chí được Quốc hội phân tích và chấn chỉnh trong nhiều kỳ họp nhưng việc cải cách hoạt động các DNNN hầu như chưa có chuyển biến đáng kể. Hậu quả một số DNNN làm ăn không hiệu quả, thậm chí phá sản.

Chấm dứt căn bệnh “nghiện” dự án

Để đảm bảo phát triển bền vững, trong những năm tới cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện tái cơ cấu chính sách tăng trưởng tài chính công và đầu tư công, như sau: Giảm dần tỷ trọng tích lũy trong GDP, mức tích lũy hiện nay trên 40% GDP phải được giảm xuống dưới 40% và trong 5-10 năm tới dưới 30% (như cách đây 10 năm).

Tỷ lệ tích lũy đã tăng mạnh trong mấy năm gần đây là quá cao, trong khi mức sống của đại bộ phận nhân dân lao động còn rất thấp. Chính sách tiền công lao động rẻ đã được duy trì hàng chục năm, có tác dụng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và dịch vụ, song ngược lại đã không tạo điều kiện bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực.

Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, nhưng tốc độ tăng thu nhập và mức sống của một bộ phận người dân không tương xứng.

Vốn đầu tư của toàn nền kinh tế kém hiệu quả (5,2) là do suất đầu tư của khu vực nhà nước quá cao (7,8), trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước lại có hiệu quả đồng vốn hợp lý. So với ICOR tính theo tổng vốn đầu tư cho thấy có một số lượng vốn đáng kể được bỏ ra nhưng đã không trở thành tài sản. Nói một cách khác, hiệu quả đồng vốn bỏ ra kém bởi đã phải chi cho nhiều khâu không trực tiếp đến sản xuất.

Thâm hụt ngân sách trong mấy năm gần đây khoảng 5-6%; nếu tính đủ các khoản chi từ vay trong và ngoài nước, con số thâm hụt phải lên ít nhất 10%. Đã đến lúc từ bỏ chính sách chủ động bội chi bằng vay nợ, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư và vay vốn nước ngoài, nhất là các điều kiện và khả năng hoàn trả.

Những dự án đầu tư lớn làm nợ quốc gia tăng vọt cần được kiểm định hết sức thận trọng, trước hết từ góc độ hiệu quả kinh tế - tài chính và phải được phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học, được công khai thông tin để công chúng thảo luận rộng rãi, trong trường hợp đặc biệt phải được trưng cầu ý dân.

Vì thế, trong mô hình tăng trưởng mới, cần dứt khoát đoạn tuyệt với căn bệnh “nghiện” dự án đầu tư công nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hiện đang phổ biến trong giới lãnh đạo chính quyền các cấp. Những tiêu chuẩn để xác định mục tiêu đầu tư công cần được xây dựng rõ ràng, minh bạch, dựa trên yêu cầu thúc đẩy và hỗ trợ phát triển theo hướng bền vững.

Trong đó kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với bảo đảm tốt hơn công bằng và tiến bộ xã hội; sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên của đất nước, bảo vệ môi trường, đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững và không làm tổn hại đến lợi ích của các thế hệ tương lai.

Theo đó, trong những năm tới, đầu tư công cần tập trung các mục tiêu: giáo dục, y tế, văn hóa, phục vụ thiết thực đối với đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số nhân dân; nâng tỷ lệ chi ngân sách và đầu tư của Nhà nước cho phát triển xã hội từ 20% hiện nay lên ít nhất 30% trong 10 năm tới.

Và trong điều kiện nguồn vốn hạn hữu, cần tập trung đầu tư công vào một số ít trọng điểm, có tính chất đột phá và lan tỏa, như các tuyến đường bộ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các tuyến đường trục và các sân bay, bến cảng có ý nghĩa quan trọng đối với ý nghĩa hội nhập kinh tế quốc tế.

Tóm lại đầu tư của Nhà nước phải được sử dụng như một công cụ mạnh tạo nên sự đột phá trong phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với nước ta hiện nay là những bất cập về năng lực quản lý bộ máy, vốn là mối đe dọa nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư và tăng trưởng trong tương lai. Vì vậy, đồng thời với trao quyền, cần có chương trình và giải pháp nâng cao năng lực các cơ quan này.

Các tin khác