Ngày 25-2, tại Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm đồng chủ trì hội thảo "Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND".
Dự án luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp tháng 3, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại hội thảo
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, liên quan tới khái niệm giám sát, PGS-TS Lê Minh Thông, nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định rõ khái niệm giám sát của Quốc hội, HĐND để định nghĩa trong luật nhằm làm rõ bản chất, mục tiêu của hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, gắn với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền trong Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
“Cần khẳng định giám sát của Quốc hội, HĐND là phương thức kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan nhà nước chịu sự giám sát của Quốc hội, HĐND”, ông Thông nhấn mạnh.

PGS-TS Lê Minh Thông góp ý hoàn thiện dự thảo luật
Về khái niệm giám sát tối cao, PGS-TS Lê Minh Thông lưu ý, cần nghiên cứu thể hiện rõ hơn nội hàm của giám sát tối cao trong phần giải thích từ ngữ của Luật Hoạt động giám sát, thể hiện được bản chất của giám sát tối cao là giám sát ở tầng cao nhất của quan hệ quyền lực, tập trung vào việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, tư pháp, các thiết chế hiến định độc lập cấp trung ương.
Đồng tình với quan điểm này, một số ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị xác định rõ hơn chủ thể giám sát, chủ thể chịu sự giám sát, công cụ và mục tiêu, hệ quả giám sát. Đối với nội hàm “giám sát tối cao” cần làm rõ đối tượng chịu sự giám sát; có cách tiếp cận mới về chức năng, quyền giám sát tối cao của Quốc hội.

Quang cảnh hội thảo
ĐB Thịnh cũng đề xuất bổ sung quy định, hướng dẫn về việc HĐND, Thường trực HĐND cấp trên giám sát hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, UBND cấp dưới trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật; bổ sung quy định về việc cung cấp thông tin trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cấp tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự chủ động, phối hợp tích cực, khẩn trương của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; đề nghị sau phiên họp thứ 43 của UBTVQH, hai cơ quan tiếp tục tổ chức hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc xác định rõ phạm vi và đối tượng giám sát tối cao phải dựa trên tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, quán triệt tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật, theo đó phải vừa quản lý vừa kiến tạo; triệt để phân cấp phân quyền cho địa phương và chống tiêu cực, lãng phí trong xây dựng pháp luật.