Sáng 5-5, Bộ TT-TT đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5. Tại đây, trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) Lê Quang Tự Do cho biết, để triển khai kế hoạch kiểm tra toàn bộ hoạt động của TikTok Việt Nam, Bộ TT-TT đã gửi công văn cho các bộ, ngành có liên quan nhằm cử người tham gia đoàn công tác.
“Danh sách thành viên của đoàn kiểm tra đã tập hợp gần đầy đủ. Dự kiến việc kiểm tra hoạt động của TikTok sẽ được tiến hành từ ngày 15-5 đến hết tháng 5”, ông Lê Quang Tự Do nói.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4-2023, Bộ TT-TT đã công bố 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam. Cụ thể các vi phạm này bao gồm việc TikTok chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em. TikTok dùng thuật toán phân phối tự động để tạo xu hướng và phát tán nội dung câu view, bất chấp sự phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
Bên cạnh đó, TikTok cũng đã mở thêm mảng thương mại điện tử, dẫn đến vi phạm thứ ba là nền tảng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Với người làm nội dung, thường được gọi là “idol”, Bộ TT-TT đánh giá nền tảng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. TikTok cũng để nội dung vi phạm bản quyền xuất hiện tràn lan và bị đánh giá không có biện pháp quản lý, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân để tung tin giả, bôi nhọ, xúc phạm người khác…
Những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp…
Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có đông người sử dụng TikTok nhất thế giới. Số liệu của DataReportal cho thấy, tính đến tháng 2, có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok tại Việt Nam. Trước đó, trong báo cáo thực thi tiêu chuẩn cộng đồng quý IV-2022 do TikTok công bố, nền tảng này cam kết ưu tiên gỡ bỏ nhanh nhất các nội dung có tính nghiêm trọng cao như lạm dụng tình dục trẻ em và chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
TikTok cam kết giảm thiểu tổng lượt xem các nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng; đồng thời đảm bảo tính chính xác, thống nhất và công bằng cho các nhà sáng tạo nội dung.
ĐÃ KHÔI PHỤC 2 TUYẾN CÁP QUANG BIỂN KẾT NỐI VIỆT NAM VỚI QUỐC TẾ
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, việc xảy ra sự cố đồng thời với cả 5 tuyến cáp quang biển thời gian qua là trường hợp bất khả kháng, ảnh hưởng không chỉ với Việt Nam mà cả các nước trong khu vực có sử dụng các tuyến cáp này.
Ngay khi xảy ra sự cố, Cục Viễn thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai nhiều phương án, như chủ động, nhanh chóng phối hợp với thành viên hệ thống tuyến cáp bị sự cố, đo đạc, xác định vị trí và loại sự cố để tiến hành sửa chữa khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Tính đến ngày 3-5, đã có 2 tuyến cáp quang biển là IA và SMW3 hoàn thành việc sửa chữa. Hai tuyến cáp AAE-1 và AAG dự kiến sẽ hoàn thành sửa chữa trong tháng 5. Tuyến cuối cùng là APG dự kiến sẽ được khắc phục xong trong tháng 6.
Thời gian qua, Cục Viễn thông cũng đã triển khai phương án điều tiết, giảm tải, đảm bảo lưu lượng đi quốc tế. Đồng thời, phối hợp với đối tác cung cấp dịch vụ/ứng dụng quốc tế để tối ưu chất lượng, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ và dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.