5 hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa đưa ra kiến nghị trên bao gồm Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC), Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA).
Theo các hiệp hội doanh nghiệp nói trên, năm 2016, Hải Phòng đã có nghị quyết quy định về phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.
Giai đoạn 2017-2021, khoản thu phí phương thức vận tải thủy nội địa của Hải Phòng chỉ dao động từ 59 – 66 tỷ đồng. Số thu này chiếm tỷ lệ nhỏ so với nguồn thu trung bình hàng năm của Hải Phòng.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, việc nộp phí này cũng gây nhiều khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ liên quan có hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, làm tăng chi phí logistics đang ở mức cao.
Theo kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, việc Hải Phòng không thu phí hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, lượng hàng container vận chuyển bằng đường thủy nội địa từ năm 2020 đến nay chỉ chiếm trên dưới 1,5% tổng lượng hàng container xuất nhập khẩu thông qua cảng Hải Phòng.
Các phương tiện vận tải thủy nội địa chủ yếu sử dụng các tuyến đường thủy tự nhiên, hàng hải kết nối đến cảng biển do Bộ giao thông vận tải quản lý, không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối với cảng biển, như hệ thống cầu, các tuyến đường bộ, cầu vượt tại các nút giao thông do địa phương quản lý và đảm bảo điều kiện hoạt động.
Đồng thời, các phương tiện vận tải thủy nội địa khi làm hàng tại các cảng biển đã phải nộp đầy đủ các loại phí, lệ phí hàng hải cho cảng vụ và giá dịch vụ cảng cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển.
Vì vậy, theo các hiệp hội trên, việc thu phí kết cấu hạ tầng cảng biển đối với phương tiện vận tải thủy nội địa là chưa thực sự thỏa đáng và hợp lý về đối tượng phải nộp phí như quy định trong nghị quyết của TP Hải Phòng.
Theo kiến nghị của các hiệp hội, trong khi TP Hải Phòng vẫn áp dụng cơ chế thu phí hạ tầng cảng biển đối với doanh nghiệp vận tải thủy nội địa thì một số địa phương khác như TPHCM, Thanh Hóa, Hà Tĩnh lại có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, khuyến khích phát triển vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Đơn cử, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh có chính sách hỗ trợ giảm phí cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng. Tỉnh này cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Vũng Áng và mở tờ khai tại các chi cục thuộc Cục Hải quan Hà Tĩnh. Tương tự, tại Thanh Hóa, các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn được hỗ trợ với số tiền là 200 triệu đồng/chuyến theo Nghị quyết số 166 ngày 4-4-2019 của HĐND tỉnh này. Đặc biệt, mới đây nhất, sau khi đã được HĐND thông qua, bắt đầu từ ngày 1-8-2022, TPHCM sẽ thực hiện miễn giảm phí cho hàng hóa được vận chuyển vào cảng và rời cảng biển địa phương này bằng phương tiện thủy nội địa chỉ sau 4 tháng thực hiện. |