Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ: Quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị, Quốc hội là kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp này. Tuy nhiên, quá trình xử lý sẽ không tránh khỏi nhu cầu cần chi phí để xử lý, tái cơ cấu…
Vì vậy, dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, cho phá sản. Cần có giải pháp quyết liệt, thực tế hơn, không loay hoay trên sổ sách, trưng cầu đơn vị tư vấn độc lập để thẩm định về giá trị tài sản, các vấn đề pháp lý, tìm đối tác trong và ngoài nước cùng ngành nghề, tiềm lực và kinh nghiệm để hợp tác, tiếp tục vận hành dự án, chốt phương án xử lý như bán hoặc thoái vốn, cho thuê, liên doanh.
Về hướng xử lý các dự án cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu trong quá trình thoái vốn nhà nước tại các dự án nêu trên đề nghị Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu theo đúng vai trò, chức năng. Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo quy định pháp luật, cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho Nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm theo đề án và kế hoạch của ban chỉ đạo, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định tại đề án; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét các giải pháp cơ cấu nợ để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp chủ đầu tư, phối hợp các tập đoàn, tổng công ty và DATC xây dựng phương án tái cơ cấu có tính khả thi, bảo đảm khả năng trả nợ ngân hàng.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước khẩn trương hoàn thiện báo cáo tình hình tiến độ xử lý 12 dự án, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4, báo cáo Chính phủ thông qua trước khi trình Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư.