2017 có thể được nhìn nhận là năm đột phá, bởi lần đầu tiên sau nhiều năm 13 chỉ tiêu phát triển đề ra đều hoàn thành vượt mức; trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,81% (vượt chỉ tiêu 6,7%), kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát và tỷ giá được khống chế, khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, xuất khẩu tăng mạnh và xuất siêu 2,7 tỷ USD…
Trong bức tranh nhiều điểm sáng đó, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, phải ghi nhận các cải cách của Chính phủ đã đi vào thực tế cuộc sống, tạo sự hứng khởi, khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp mạnh mẽ. Với phương châm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, các tổ công tác của Thủ tướng năm qua có thể nói hoạt động như con thoi, tăng cường đôn đốc, kiểm tra nhằm nỗ lực cắt bỏ các rào cản bất hợp lý, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị của doanh nghiệp.
Quyền kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện với Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành nhiều nghị định, chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra là năm mới ta có tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao? Và nhìn lại chính mình, ta đã phát huy hết tiềm năng, nội lực chưa? Nhìn vào toàn cảnh kinh tế 2017, các chuyên gia bộc lộ băn khoăn: Nền kinh tế tăng trưởng vượt kỳ vọng song các yếu kém cố hữu vẫn còn hiện hữu, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm được cải thiện, năng lực cạnh tranh hạn chế, năng suất lao động thấp… Điểm đáng ngại là nền kinh tế vẫn theo xu hướng phát triển “lệch pha”.
Khối doanh nghiệp nhà nước được xác định là trụ cột của nền kinh tế, nắm giữ khối lượng tài sản khổng lồ và các lợi thế nhưng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư lại chưa bằng 1/2 so với khu vực tư nhân; đó là chưa kể tình trạng lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
Khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng mạnh trong năm qua cả về vốn, sản lượng, xuất khẩu và cho thấy nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực này. Năm 2017 khu vực FDI chỉ chiếm 24% tổng đầu tư nhưng lại đóng góp tới 73% kim ngạch xuất khẩu nền kinh tế, xuất siêu 28,8 tỷ USD, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 26,8 tỷ USD.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bộc lộ: “Nền kinh tế nước ta nếu không có FDI cũng không được, nhưng nếu tiếp tục như thế này cũng không xong. Với nhiều hiệp định được ký kết, kinh tế nước ta có độ mở lớn, xuất nhập khẩu tăng trưởng cao nhưng dường như FDI tận dụng cơ hội tốt hơn từ hội nhập”.
Năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Hơn lúc nào hết cần nhìn rõ chính mình, thực tâm thay đổi tư duy và kiến tạo động lực phát triển mới, mới mong đạt được kết quả. Thực tế đòi hỏi cần cấp thiết thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng công nghệ cao thích ứng với thời đại; các doanh nghiệp trong nước phải gia nhập được vào mạng lưới cung ứng toàn cầu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã và sẽ ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu. Còn nếu hội nhập để trở thành “công xưởng thế giới”, để các doanh nghiệp FDI đến rồi đi khi đã tận dụng nhân công giá rẻ, đất đai, điều kiện ưu đãi... thì có thể nói ta thất bại.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển bày tỏ: “Tiêu chí cơ bản cho việc lựa chọn nhà đầu tư là lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng; cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế để phát huy nội lực; coi nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Phải làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên”.
Điều đáng mừng là trong năm 2017, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế ra đời; xác định phát triển kinh tế tư nhân là một yêu cầu khách quan, cấp thiết, “là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển”.
Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là “kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu”.
Mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân được đề ra rất rõ: Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp; phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GDP năm 2020 đạt 50%, năm 2025 khoảng 55%... Vấn đề đặt ra là bối cảnh mới đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ doanh nghiệp trong nước có thực lực thực chất, có chất xám và khả năng cạnh tranh, chứ không phải hình thành lực lượng "thuyền thúng".
Để đột phá phát triển, phương án khả thi nếu vẫn giữ được nhịp độ quyết liệt cải cách, tạo dựng thể chế phù hợp, như xóa bỏ các rào cản bất hợp lý đối với khu vực kinh tế này; hỗ trợ trong việc tiếp cận, khai thác cơ hội hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường đất đai, tín dụng, tài nguyên… một cách minh bạch, bình đẳng. Nhà nước cũng cần tăng tốc đẩy mạnh việc thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, thực sự kiến tạo động lực phát triển mới vì mục tiêu phát triển đất nước (Mời bạn đọc xem chủ đề nội dung số báo này: Kinh tế tư nhân - Động lực phát triển).
… Mùa Xuân mới đang đến. Mọi người, mọi nhà đều kỳ vọng vào năm mới hanh thông, thành đạt. Những tín hiệu mới từ cơ chế, chính sách, quan điểm chỉ đạo - điều hành… đang tạo ra sức lan tỏa tích cực: Đồng lòng nỗ lực để phát triển; tất cả vì lợi ích đất nước và Nhân dân.