Kim Jong-il qua đời: Tác động kinh tế toàn cầu?

Mọi cặp mắt đang đổ dồn vào CHDCND Triều Tiên. Mối nguy bất ổn chính trị sau cái chết của Chủ tịch nước Kim Jong-il có thể gây xáo động nền kinh tế toàn cầu, đè nặng lên niềm tin và tăng trưởng.

Mọi cặp mắt đang đổ dồn vào CHDCND Triều Tiên. Mối nguy bất ổn chính trị sau cái chết của Chủ tịch nước Kim Jong-il có thể gây xáo động nền kinh tế toàn cầu, đè nặng lên niềm tin và tăng trưởng.

Chủ tịch Kim Jong-il qua đời ngày 17-12 ở tuổi 69 vì nhồi máu cơ tim khi đang đi thị sát bằng xe lửa bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng, nhưng mãi 2 ngày sau cái chết của ông mới được loan báo. Kim Jong-un, vị tướng chưa đầy 30 tuổi, sẽ kế nhiệm vị trí lãnh đạo đất nước, tiếp nối quyền lực của người cha Kim Jong-il và người ông Kim Nhật Thành.

Dù nền kinh tế CHDCND Triều Tiên biệt lập với phần lớn thế giới và nội tình quốc gia này là ẩn số lớn, nhưng đường lối ưu tiên quân sự, tiềm năng vũ khí hạt nhân, mối quan hệ căng thẳng với Hàn Quốc, Hoa Kỳ, cùng với quan ngại về khả năng của Kim Jong-un ở cương vị điều hành đất nước đã đặt cả thế giới vào tình trạng báo động.

Hai nước láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản đã triệu tập những cuộc họp an ninh khẩn cấp nhằm đối phó với những diễn biến ngoài ý muốn.

Chủ tịch Kim Jong-il qua đời, con trai Kim Jong-un tiếp nối, điều gì sẽ xảy ra?

Chủ tịch Kim Jong-il qua đời, con trai Kim Jong-un tiếp nối, điều gì sẽ xảy ra?

Trong nhiều thập niên qua, CHDCND Triều Tiên nổi tiếng là một xã hội khép kín đầy bí ẩn, hầu như không chào đón đầu tư nước ngoài. Mãi gần đây, Chủ tịch Kim Jong-il mới hé lộ dấu hiệu về việc cải cách kinh tế. Ông đã tham quan các nhà máy Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc; viếng thăm Nga để thương lượng việc xây dựng đường ống dẫn khí xuyên Triều Tiên.

Sau khi ông Kim Jong-il qua đời, một số chuyên gia phân tích bày tỏ hy vọng viễn cảnh dài hạn CHDCND Triều Tiên sẽ “thay da đổi thịt” vì “người thừa kế” Kim Jong-un từng du học Thụy Sĩ và có sự tiếp xúc với thế giới phương Tây, sẽ cởi mở hơn trong đối ngoại nhằm cải thiện tình hình kinh tế đất nước.

Sự ra đi của ông Kim Jong-il không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế trong nước mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Hàn Quốc. Ngay khi được tin ông Kim Jong-il qua đời, thị trường chứng khoán Seoul đã chao đảo và giảm mạnh 5%, riêng cổ phiếu các công ty liên quan đến quốc phòng lại tăng đột biến 15%.

Đồng won rớt xuống đáy thấp nhất 2 tháng, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc phải hứa nếu cần thiết sẽ vào cuộc và ổn định thị trường. Hàn Quốc cũng dự báo một sự suy giảm xuất khẩu đáng kể trong năm 2012, từ mức tăng 19,2% của năm 2011 sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn 7,4%.

Điều này cho thấy bất kỳ sự cố nào với CHDCND Triều Tiên cũng có thể phá hỏng niềm tin tiêu dùng và kéo tụt tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc xuống dưới mức dự báo 3,7% cho năm 2012.

Trong lúc CHDCND Triều Tiên xảy ra biến cố, có lẽ Trung Quốc - đồng minh quân sự duy nhất của CHDCND Triều Tiên trong khu vực Đông Bắc Á - sẽ là quốc gia chịu khó giúp đỡ nhất. Hiện nay, CHDCND Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc cả về viện trợ lương thực và thương mại. Trung Quốc chiếm 83% tổng giá trị thương mại quốc tế của CHDCND Triều Tiên năm 2010.

Trong lúc đó, Hoa Kỳ có thể sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở bán đảo Triều Tiên để hỗ trợ Hàn Quốc - một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Hoa Kỳ với tổng giá trị thương mại song phương 2008 đạt 74 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng tốt hơn nữa sau khi thông qua FTA hồi tháng 11.

Theo ước tính, nền kinh tế CHDCND Triều Tiên rất nhỏ nhoi, chỉ bằng 3% nền kinh tế nghìn tỷ USD của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu xảy ra bất kỳ rắc rối nào ở CHDCND Triều Tiên, cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều bị chấn động, ảnh hưởng dây chuyền đến Hoa Kỳ và các nền kinh tế khác trên toàn cầu.

Các tin khác