Kinh hãi nước đá nhiễm khuẩn tràn lan

(ĐTTCO) - Có đến 80% cơ sở sản xuất nước đá không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại sao?Các bác sĩ cho biết uống nước đá nhiễm khuẩn rước các bệnh gì?

(ĐTTCO) - Có đến 80% cơ sở sản xuất nước đá không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại sao?Các bác sĩ cho biết uống nước đá nhiễm khuẩn rước các bệnh gì?

Những cơ sở làm nước đá vi phạm trải dài từ Q.2, Q.7, Q.9, Q.Tân Bình, Q.Tân Phú, Q.Bình Tân, Q.Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi…

Theo thông tin trên website của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, liên tiếp từ tháng 8 đến tháng 12-2015, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá tại TP.HCM bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Đa số vi phạm được ghi nhận là về kiểm nghiệm, giấy chứng nhận cơ sở đủ tiền kiện ATVSTP, công bố sản phẩm… Có cơ sở bị phạt đến gần 70 triệu đồng tiền vi phạm, có cơ sở buộc phải tiêu hủy sản phẩm vi phạm.

80% các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá không đủ điều kiện ATVSTP

Bác sĩ (BS) Thị Huỳnh Mai, chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nay trên địa bàn thành phố có 547 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá.

Khi biết thông tin về nước đá bẩn, chỉ có 10% "đoạn tuyệt" với nước đá, 55% chọn cách hạn chế sử dụng và 35% còn lại vẫn dùng như bình thường.

Trong đó chỉ có 115 cơ sở có giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, 80% còn lại bao gồm 432 cơ sở (chủ yếu là kinh doanh nước đá) chưa có giấy phép này.

Trong năm 2015, các đoàn thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng đã lấy nhiều mẫu nước đá trên địa bàn TP xét nghiệm, kết quả xét nghiệm cho thấy có đến 54,5% các mẫu nhiễm khuẩn, nhiều nơi nước đá nhiễm cả khuẩn E.coli, không đạt ATVSTP.

Đủ bệnh từ nước đá nhiễm khuẩn

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong (giảng viên khoa bác sĩ gia đình Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho biết nước đá là môi trường rất dễ nhiễm vi sinh.

Nguồn nhiễm có thể từ bất cứ khâu nào trong cả chuỗi cung cấp nước đá như: nguyên liệu, dụng cụ làm đá, khâu vận chuyển, bảo quản…

“Ngay cả khi nguồn nước làm đá được thanh lọc tốt, an toàn thì trong quá trình chế biến với dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, nước đá vẫn có thể bị nhiễm khuẩn. Khâu vận chuyển không đảm bảo cũng sẽ làm nước đá nhiễm khuẩn. Chúng ta vẫn thường thấy người ta cột bao đá đằng sau những chiếc “xe mù” rồi chở đi phân phối khắp nơi” - PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong cảnh báo.

Nước đá trước khi đi bán được chất đầy trên mặt cống.
Nước đá trước khi đi bán được chất đầy trên mặt cống.

Theo BS Nguyễn Duy Phong, khi sử dụng nước đá nhiễm khuẩn (chủ yếu là E.coli, Coliforms…) , những vi sinh vật trong đó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng ở nhiều mặt.

Trước hết là ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, đi tiêu phân đen hoặc có máu đỏ, nôn ói, BS Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) thông tin.

Nghiêm trọng hơn, theo PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong, những vi sinh vật có trong nước đá nhiễm khuẩn còn có thể gây ra bệnh viêm gan siêu vi A, thương hàn.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong cho biết bằng mắt thường rất khó để nhận biết nước đá có sạch hay không bởi nước đá không màu, không mùi, không thể dùng mắt nhìn hay mũi ngửi để đánh giá như những loại thực phẩm khác.

“Bên cạnh đó, những vi sinh, kim loại nặng như chì, thủy ngân nếu lẫn trong nước đá thì mắt thường không nhìn thấy được. Việc đem nước đá đi xét nghiệm trước khi dùng cũng không khả thi” -  BS Nguyễn Duy Phong chia sẻ.

Làm nước đá sao cho an toàn?

BS Đào Thị Yến Thủy đánh giá nếu chủ quan dùng nguồn nước máy đưa thẳng vào tủ lạnh để làm đá thì nguy cơ đá nhiễm khuẩn vẫn xảy ra.

Theo BS Đào Thị Yến Thủy, với nước đủ tiêu chuẩn dùng để uống rồi, chúng ta vẫn nên đun sôi để nguội, sau đó cho vào bình lọc nước rồi mới dùng sản phẩm cuối cùng cho vào tủ lạnh làm đá.

“Tốt nhất là sử dụng những bình lọc nước có các khối thạch cao để lọc cả “xác” vi khuẩn và nước thành phẩm lọc xuống dưới là nước an toàn để uống và làm nước đá”, BS Đào Thị Yến Thủy khuyến cáo.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên không nên lạm dụng nước đá trong sinh hoạt hằng ngày bởi nước đá có thể gây ra những tổn thương về răng, họng, ảnh hưởng sức đề kháng, nhất là đối với trẻ em.

“Thực chất nước đá không làm chúng ta “đã khát” hơn. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trong miệng khi dùng nước đá ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, gây tình trạng viêm nhiễm… Cần hạn chế việc sử dụng nước đá liên tục trong một thời gian ngắn. Nên dùng nước mát thay vì nước quá lạnh”, BS Đào Thị Yến Thủy đưa ra lời khuyên.

Các tin khác