Kinh tế 2017 vẫn lạc quan

(ĐTTCO) - 2017 sẽ là năm nhiều biến động và thử thách cho các thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam. Sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ, người dân sở tại đang kỳ vọng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nếu Chính phủ mới của ông Donald Trump thực hiện cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

(ĐTTCO) - 2017 sẽ là năm nhiều biến động và thử thách cho các thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam. Sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ, người dân sở tại đang kỳ vọng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nếu Chính phủ mới của ông Donald Trump thực hiện cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất trong tháng 12-2016 và thêm khoảng 2 - 3 lần nữa trong năm 2017 do tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng. Đây sẽ là một bài toán khó cho rất nhiều nền kinh tế mới nổi khi chi phí vay vốn bằng USD sẽ tăng cao. Ngoài ra, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền của các thị trường mới nổi do kỳ vọng FED tăng lãi suất. Xu hướng này sẽ gây khó cho các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi khi dư địa cắt giảm lãi suất hầu như còn rất ít.

Thông thường, các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đồng nội tệ mất giá so với USD và lãi suất USD có xu hướng tăng, việc cắt giảm lãi suất sẽ khó thực hiện được. Ngoài ra, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố hạn chế thương mại toàn cầu và tập trung vào nền kinh tế nội địa. Nếu xảy ra, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các quốc gia tập trung vào xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ. Cho đến thời điểm này vẫn chưa thể biết Tổng thống Trump thực tế sẽ làm gì khi tiếp nhận nhiệm vụ vào tháng 1-2017, song điều chắc chắn nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính thế giới sẽ gặp nhiều biến động vì sẽ phải đương đầu với rủi ro khó kiểm soát, rủi ro chính trị. Mặc dù hiện tại còn quá sớm để biết về những chính sách mà chính quyền của ông Trump sẽ áp dụng với châu Á, nhưng nếu ông thực hiện những gì đã hứa khi tranh cử, đây sẽ là nguyên nhân để lo lắng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động đầy bất ngờ trong năm 2017, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một ngôi sao sáng trong khu vực. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới trong khi lạm phát được kiềm chế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục và góp phần làm xuất khẩu tăng trưởng trong những năm tới.

Trong khi khả năng Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một bất lợi cho các nước thành viên, nhưng lợi thế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác, chẳng hạn Việt Nam đã là thành viên của Khối Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Mặc dù các nước thành viên ASEAN có những đặc điểm quá khác biệt nên khó đạt được một tầm nhìn chung, nhưng AEC vẫn là một bước tiến đáng kể và có ý nghĩa của ASEAN.

 Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra trong thập niên tới, nếu AEC được quản lý và tận dụng được hết ưu thế, cộng đồng có thể đưa kinh tế vùng tăng trưởng 7,1% từ nay tới 2025 và gia tăng thêm 14 triệu công ăn việc làm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà vòng đàm phán thứ 15 vừa kết thúc tháng 10 - 2016. Mặc dù phạm vi nhỏ hơn nhiều so với TPP, nhưng RCEP lại kết nối 3 thị trường đông dân nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN. RCEP mặc dù có những điểm cần cải thiện, nhưng vẫn sẽ hỗ trợ tăng trưởng thương mại ở châu Á và kích thích đầu tư vào những chuỗi cung ứng mới.

Mặc dù không tham gia TPP, song thời gian vừa qua Việt Nam đã có những bước đi để chuẩn bị cho hiệp định này. Do vậy những nỗ lực cải cách để đảm bảo tuân thủ các điều khoản của TPP không nên dừng lại. Chính phủ Việt Nam đã cố gắng đẩy mạnh thông qua 30 dự luật từ luật lao động, kinh doanh, thương mại… nhằm đáp ứng những yêu cầu TPP và đây là điều nên được tiếp tục. Như vậy, dù không được thông qua, TPP đã đóng vai trò như một cú hích để Việt Nam tiến hành các cải cách và nâng cao nhận thức cho các nhà lập pháp, doanh nghiệp, cộng đồng kinh tế về tác động của tự do thương mại.

Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ với dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN. Các ngành tiềm năng phát triển là giáo dục, y tế, công nghệ, thực phẩm, tiêu dùng nhanh… Ngoài ra, nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực, khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới.

Trong nước, kinh tế cũng sẽ tăng trưởng trong năm 2017 khi những hiệu ứng tích cực từ cam kết của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới bao gồm đổi mới khu vực tài chính và doanh nghiệp công, sẽ  đưa Việt Nam tới con đường phát triển bền vững trong tương lai.

Các tin khác