Ngày 3-6, tại TP Hội An (Quảng Nam), Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung. Tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ ngư dân, bảo vệ Tổ quốc.
Tìm cơ chế, chính sách phù hợp
Miền Trung có 14 tỉnh kéo dài từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận, trong 9 tỉnh duyên hải từ Hà Tĩnh đến Phú Yên là vùng có tài nguyên thiên nhiên phong phú, lợi thế về địa kinh tế, nguồn nhân lực trẻ dồi dào nhưng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, nên việc phát triển kinh tế - xã hội chưa bền vững.
Vì thế, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, diễn đàn này tổ chức với mục đích để Chính phủ và các cơ quan trung ương, địa phương trong vùng, cùng các đối tác phát triển, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH và thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển vùng, tập trung vào 9 tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Phú Yên.
![]() |
Tàu đánh cá vỏ thép được bàn giao cho ngư dân xã Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi. |
Bà Victoria KwaKwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, khẳng định khu vực duyên hải miền Trung đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển KT-XH, tuy nhiên quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc quản lý tài nguyên nước chưa có sự thống nhất, khoa học do quản lý theo địa giới hành chính, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa có sự thống nhất.
Vì vậy, khu vực miền Trung cần có cách tiếp cận theo vùng trong phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển, nhất là phát triển cảng biển, sân bay, du lịch. Với cách tiếp cận này sẽ giúp vùng duyên hải miền Trung các nguồn lực để phát triển, phát huy tối đa đồng vốn đầu tư trong bối cảnh tài chính hạn hẹp.
Kinh tế biển bị đe dọa
Bà Nguyễn Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, một địa phương kinh tế biển đóng vai trò quan trọng, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương, cho biết việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế biển, trong đó có ngành khai thác hải sản. Thời gian tới, Bình Định sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân thiết thực, trong đó chú trọng đầu tư đóng tàu cá vỏ sắt để ngư dân yên tâm bám biển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định duyên hải miền Trung là khu vực có vị trí địa chính trị, kinh tế chiến lược quan trọng của Việt Nam, là cửa ngõ hướng ra biển Đông nối với khu vực và thế giới. Đây cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nề trong chiến tranh và bão lũ hàng năm nhưng cũng là nơi có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển KT-XH.
Vùng này có cảng biển nước sâu, thiên nhiên giàu đẹp, tài nguyên biển phong phú, tài nguyên khoáng sản đa dạng, bờ biển dài; có tiềm năng phát triển du lịch to lớn, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và nhiều di sản văn hóa thế giới (cả vật thể và phi vật thể).
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có những cơ chế, chính sách để phát huy các tiềm năng, thế mạnh, hướng đến xây dựng khu vực này trở thành khu vực phát triển năng động, nhanh và bền vững; phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo…
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, chúng ta chứng kiến Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, tàu cá của ngư dân miền Trung đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa bị xua đuổi, thậm chí bị đâm chìm. Chúng ta cương quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lẽ phải và chính nghĩa… Trong bối cảnh này, kinh tế biển khu vực duyên hải miền Trung đóng vai trò quan trọng cho phát triển bền vững toàn vùng, thực hiện phát triển kinh tế gắn với quốc phòng và giảm nghèo bền vững.
Theo đó, phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ ngư dân, bảo vệ Tổ quốc". Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các định chế tài chính thế giới, nhà đầu tư quan tâm hơn nữa đến vùng duyên hải miền Trung trong chiến lược trong hỗ trợ miền Trung, góp phần giúp miền Trung vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.