Lòng tin của nhà đầu tư, người tiêu dùng giảm đến mức báo động, kết quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012 kém sút rõ rệt so với năm 2011 và so cả với những năm trước đó….
Không có nhiều nhận định lạc quan về tình hình kinh tế trong các bản tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do UNDP tài trợ, diễn ra tại Vũng Tàu trong hai ngày 28 và 29-9-2012.
Nửa năm trước, tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân do các cơ quan nói trên đồng tổ chức, thực trạng và triển vọng kinh tế năm 2012 cũng đã được tranh luận khá thẳng thắn với các ý kiến khác biệt.
Trái ngược với các ý kiến đánh giá tình hình sẽ “rất khó khăn”, thậm chí “cực kỳ nghiêm trọng” là nhận định nền kinh tế chỉ “đang gặp khó khăn” và “sẽ được cải thiện rõ rệt”.
Nay, ở diễn đàn này, TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tham luận “phân cấp quản lý kinh tế và FDI” viết rằng: ba quý của năm 2012 đã chứng kiến trạng thái kinh tế tương tự như năm 2008, những tháng đầu năm lạm phát cao, sau đó hạ xuống đến mức giảm phát, tuy vậy tình hình năm nay nghiêm trọng hơn nhiều, số doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản gồm trên 20% tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đại gia nhất là trong bất động sản và ngân hàng, hệ thống tiền tệ - mạch máu của nền kinh tế có dấu hiệu bị tắc nghẽn, lòng tin của nhà đầu tư, người tiêu dùng giảm đến mức đáng báo động.
“Chúng ta cần nhận biết trúng bản chất sự việc, đừng vì bất kỳ một lý do gì mà không dám nói đúng sự thật rằng, dăm sáu năm gần đây tình hình kinh tế- xã hội có xu hướng diễn biến xấu hơn, hiện chưa có dấu hiệu của sự phục hồi”, vị giáo sư nhấn mạnh.
Còn nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế Việt Nam gồm các tác giả Trần Đình Thiên, Bùi Trinh, Phạm Sỹ An và Nguyễn Việt Phong cho rằng, 3/4 chặng đường của năm 2012 đã xác nhận tình hình quả thật là khó khăn phức tạp.
Cho dù thời điểm hiện nay, nếu đánh giá tình hình theo cách tiếp cận ngắn hạn có thể thấy sự cải thiện tích cực theo hướng quý sau tốt hơn quý trước. Song ở một số khía cạnh quan trọng thì nhìn tổng thể cả năm, không thể phủ nhận rằng kết quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012 kém sút rõ rệt so với năm 2011 (và so với cả những năm trước đó).
Sự yếu kém, theo các tác giả này thì không chỉ biểu hiện ở các con số định lượng như tốc độ tăng trưởng GDP giảm, số lượng doanh nghiệp đóng cửa và tỷ lệ hàng tồn kho cao. Mà quan trọng hơn, còn thể hiện đặc biệt rõ nét ở xu hướng gia tăng số lượng các biến cố - sự cố bất thường, là những tín hiệu chỉ báo mức độ rủi ro hệ thống tăng lên, các loại tin đồn có tác động gây rối dư luận, làm suy giảm mạnh lòng tin thị trường vốn đã suy yếu đáng kể sau mấy năm nền kinh tế gặp khó khăn.
Tranh chấp và xung đột đất đai, sự đổ bể của các tập đoàn kinh tế, các sự cố trong hệ thống ngân hàng, các loại tin đồn khác nhau được tung ra, sự lên xuống giật cục của giá vàng, của giá cổ phiếu, sự thay đổi đột ngột các dòng tiền, ám ảnh nợ nần và tâm lý phá sản đè nặng…đang làm cho môi trường kinh tế năm 2012 trở nên bất ổn, khó lường, tham luận nêu rõ.
Rất đáng chú ý là một bức tranh tổng thể về nợ nần đã được nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng hiện tại vào khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, nghĩa là nền kinh tế đang mắc nợ hệ thống ngân hàng 2,7 triệu tỷ đồng. Chỉ tính với lãi suất cho vay “lý tưởng” hiện nay là 15%/năm thì mỗi tháng nền kinh tế trả cho hệ thống ngân hàng món lãi suất 40.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD.
Trong nền kinh tế có quy mô GDP 130 tỷ USD, tức là mỗi tháng sản xuất được khoảng hơn 10 tỷ USD, số lãi suất mà khu vực sản xuất phải trả cho các ngân hàng là 24 tỷ USD/năm hay 2 tỷ USD/tháng (ba dấu chấm than liền nhau đã được sử dụng sau dòng phân tích này).
Nhận định 2013 sẽ là năm tiếp tục “vất vả’ về kinh tế, giải pháp cấp bách được nhóm nghiên cứu đề xuất là thay đổi tư duy hành động: thoát khỏi tầm nhìn hàng năm, triển khai kế hoạch 3 năm – kế hoạch phục hồi sau khủng hoảng.
Giải pháp tiếp theo là “chính quyền các cấp phải trả cho các doanh nghiệp các khoản nợ đọng công trình lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, coi đây là giải pháp cơ bản để “cấp cứu” doanh nghiệp mà không làm “vỡ trận””.
Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 ở mức 4% - 4,5%.
Với năm sau, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nhìn nhận, về nhiều mặt, tình hình kinh tế, nhất là trong nửa đầu năm, sẽ còn khó khăn hơn cả năm 2012.