Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra khuyến cáo châu Âu và Hoa Kỳ cần củng cố lại nền tài chính công để tránh nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, theo tổ chức tài chính toàn cầu này, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 vẫn có thể đạt đến 4,3%.
Hậu quả khủng khiếp vẫn kéo dài
Nhiều người vẫn còn bị ám ảnh bởi hiệu ứng dây chuyền từ vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ Lehman Brothers. “Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và một số quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu EUR có thể khiến sự phục hồi của kinh tế châu Âu và thậm chí toàn thế giới đi chệch hướng” - Olivier Blanchard, nhà kinh tế trưởng của IMF, đã tuyên bố như vậy tại Sao Paulo (Brazil).
Kinh tế trưởng của IMF nhớ lại sự sụp đổ của Lehman Brothers và đánh giá hậu quả khủng khiếp theo sau đó. Chỉ vài tuần sau sự kiện trên, thương mại toàn cầu sụt giảm 15% và kinh tế thế giới bước vào suy thoái.
![]() |
Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã châm ngòi cho khủng hoảng tài chính |
Trong bản đánh giá về tình hình kinh tế toàn cầu mới công bố, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 sẽ hạ thấp một chút so với đánh giá hồi tháng 4 (từ 4,4% xuống 4,3%). IMF lo ngại kinh tế thế giới sẽ trở nên bất ổn do các khoản nợ công không được trả đúng hạn.
Kịch bản đáng lo ngại được IMF miêu tả như sau: “Nếu tình hình trở nên xấu hơn, “cú sốc” có thể vượt ra ngoài khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu vì mối liên hệ xuyên biên giới (của các ngân hàng đang ngập chìm trong nợ tại các nước này) và các nhà đầu tư muốn chọn giải pháp an toàn”.
Các nền kinh tế mới nổi có nguy cơ lạm phát
Các quốc gia mới nổi, với mức tăng trưởng hơn 6% trong 2 năm 2011 và 2012, đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát. Ông Olivier Blanchard không chỉ đích danh nước nào mà chỉ nhận định: “Lạm phát tăng do giá nguyên liệu thô và thực phẩm tăng cao”. Ông khuyến cáo các quốc gia nên thắt chặt tiền tệ vì lãi suất được giữ ở mức thấp trong một thời gian dài, sau này nguy cơ khủng hoảng có thể sẽ rất cao.
Trong một thời gian dài, IMF đã đồng tình với chính sách kinh tế nới lỏng tiền tệ được chính phủ các nước yêu thích. Nhưng giờ đây, IMF đã phải nhìn nhận lại. Các chuyên gia của IMF khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần nhanh chóng củng cố hệ thống tài chính của đất nước mình. IMF cho rằng GDP của Nhật Bản sẽ sụt giảm 0,7% trong năm nay do thảm họa động đất và sóng thần ngày 11-3-2011, nhưng kinh tế Nhật Bản có thể sẽ phục hồi, tăng 2,9% vào năm 2012.
“Trái lại, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu lại có tăng trưởng đáng kinh ngạc nhờ đầu tư được mở rộng hơn tại Đức và Pháp. Dự báo năm 2011 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp, kinh tế Đức tăng hơn 3%. Pháp sẽ là 2% vào năm nay và 1,9% vào năm 2012” - IMF nhận định. Định chế này cũng cho rằng kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng chậm lại kể từ đầu năm và trầm trọng hơn dự kiến.
Tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm 0,2-0,3 điểm phần trăm trong năm 2011 (2,5%) và năm 2012 (2,7%). IMF khuyến nghị Quốc hội Hoa Kỳ cần ngay lập tức xem xét lại khoản nợ công của nước này, hiện là nguyên nhân của những bất đồng sâu sắc giữa các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.