Kinh tế thế giới tuần qua

Ukraine bị hạ bậc tín nhiệm, Trung Quốc tung gói kích thích mini, việc nâng thuế tiêu dùng ở Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực… là những tin nổi bật trong tuần qua.

Ukraine bị hạ bậc tín nhiệm, Trung Quốc tung gói kích thích mini, việc nâng thuế tiêu dùng ở Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực… là những tin nổi bật trong tuần qua.

Cuối tuần trước, đại gia đánh giá tín dụng toàn cầu Moody's Investors Service một lần nữa hạ bậc tín nhiệm Ukraine, đồng thời đánh giá triển vọng ở mức “tiêu cực”. Moody's đã nhấn chìm hạng tín nhiệm của Ukraine sâu hơn vào mức “đầu cơ”, xuống hạng Caa3 từ mức Caa2 trước đó. 3 yếu tố được Moody’s đưa ra để giải thích cho động thái này là leo thang khủng hoảng chính trị, căng thẳng thanh khoản và sức khỏe tài chính bị bào mòn. Moody’s dự báo tỷ lệ nợ so với GDP sẽ tăng lên 60% vào cuối năm 2014, tăng so với 40,5% vào cuối năm 2013, trong bối cảnh suy giảm kinh tế nặng nề và nội tệ bị rớt giá mạnh. Ngoài ra, Moody’s cho biết đang xem xét hạ bậc tín nhiệm của Nga.

Tại  Trung Quốc, chính phủ nước này đã đưa ra một gói biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, Trung Quốc sẽ bán 150 tỷ NDT (24 tỷ USD) trái phiếu trong năm nay để chi cho các dự án đường sắt chủ yếu ở các vùng kém phát triển ở miền Trung và miền Tây. Trung Quốc dự tính xây hơn 6.600 km đường sắt mới trong năm 2014, nhiều hơn 1.000 km so với năm ngoái. Trong khi đó, chính phủ sẽ kéo dài ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và tăng cường cho vay để xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp. Sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu của các công ty đường sắt trên TTCK Trung Quốc tăng điểm mạnh mẽ. Cổ phiếu của China Railway Construction Corp. và China Railway Group Ltd. tăng lần lượt 7,2% và 5,1%.

Chính phủ Nhật Bản ngày 1-4 đã chính thức áp dụng luật đánh thuế tiêu dùng mới, tăng từ 5% lên 8%, là lần tăng thuế tiêu dùng đầu tiên trong vòng 17 năm qua. Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, nguồn thu từ việc tăng thuế tiêu dùng sẽ đóng góp khoảng 5.000 tỷ yen (48 tỷ USD) vào ngân sách tài khóa 2014, bắt đầu từ tháng này, và 8.000 tỷ yen mỗi năm sau tài khóa 2015. Cũng trong ngày 1-4, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết chỉ số lòng tin kinh doanh của giới doanh nghiệp nước này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm qua.

Sự kiện ra mắt Fire TV của Amazon.

Sự kiện ra mắt Fire TV của Amazon.

Tại Hoa Kỳ, tổng tiền mặt dự trữ của các công ty tăng 12% lên 1.600 tỷ USD vào năm ngoái, theo Moody’s Investor Services. Trong đó, khoảng 947 tỷ USD được các công ty cất giữ ở nước ngoài để tránh bàn tay thuế vụ. Các đại công ty Apple, Microsoft, Google, Verizon và Pfizer chiếm tới 25% tổng số, riêng Apple có tới 159 tỷ USD, chiếm 9,7%. Cũng trong tuần trước, Hoa Kỳ cấp giấy phép cho đại gia chế tạo máy bay Boeing được làm ăn với Iran, lần đầu tiên kể từ lệnh cấm vận năm 1979. Tuy nhiên, giấy phép “có giới hạn thời gian” và chỉ cho phép Boeing cung cấp một số linh kiện nhất định vì “lý do an toàn”, Boeing vẫn bị cấm bán máy bay mới cho Iran.

Một báo cáo của IMF cho thấy các chính phủ vẫn trợ giúp không lành mạnh cho các định chế tài chính lớn để giữ chúng không sụp đổ. IMF ước tính năm 2012 các khoản trợ cấp này lên tới 300 tỷ USD ở khu vực đồng EUR, ở Nhật Bản và Anh cùng đạt 110 tỷ USD, trong khi tại Hoa Kỳ là 70 tỷ USD. IMF chỉ trích những trợ giúp này khiến các ngân hàng liều lĩnh hơn.

Về thông tin doanh nghiệp, Microsoft công bố những thay đổi chiến lược lớn đầu tiên kể từ khi Satya Nadella trở thành CEO. Theo đó, nhà khổng lồ phần mềm này sẽ phát triển ứng dụng cho phép các chương trình Office của hãng sẽ hoạt động được trên iPad của Apple. Đồng thời, Microsoft cũng quyết định từ bỏ phần mềm Windows dùng cho smartphone và máy tính bảng cỡ nhỏ. Trong khi đó, Amazon ra mắt Fire TV, một thiết bị phương tiện truyền thông trực tuyến có thể kết nối với truyền hình, cạnh tranh với Apple TV và Chromecast của Google.

Các tin khác