(ĐTTCO) - Việc một công ty chứng khoán (CTCK) lớn như Kim Long (KLS) quyết định rút chân khỏi thị trường sau 10 năm hoạt động là một điều bất ngờ. Với một công ty lấy tự doanh làm sở trường, việc lỗ 68 tỷ đồng có thể là lớn nhưng cũng khó có thể là yếu tố quyết định cho việc giải thể.
![]() |
Có lẽ, sâu xa hơn, việc giải thể đến từ thị trường, sự cạnh tranh khốc liệt, quy mô TTCK Việt Nam còn quá nhỏ. Trong khi đó, với lượng tiền mặt và quy ra tiền lớn, giá cổ phiếu lại thấp hơn giá trị sổ sách, việc đưa ra phương án giải thể có thể là điều làm hài lòng phần lớn cổ đông.
Kết thúc năm tài chính 2015, doanh thu của KLS đạt 170,42 tỷ đồng, giảm 60 tỷ đồng so với năm 2014. Hoạt động đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất 48,46% tổng doanh thu, trong khi hoạt động khác (chủ yếu là hoạt động kinh doanh nguồn vốn) xếp thứ hai, chiếm tỷ trọng 45,63% tổng doanh thu (con số này năm 2014 là 56,06%).
Điều này do trong năm 2015 công ty đẩy mạnh hoạt động đầu tư dẫn đến lượng tiền tập trung cho hoạt động kinh doanh nguồn vốn giảm. Đồng thời, lãi suất trong năm 2015 giảm nên kéo theo doanh thu của hoạt động kinh doanh nguồn vốn giảm.
Cụ thể, doanh thu hoạt động kinh doanh nguồn vốn trong năm 2015 chỉ đạt 74,9 tỷ đồng, giảm 40,8% so với năm 2014. Doanh thu từ hoạt động môi giới chiếm 3,54% tổng doanh thu. Công ty đặt mục tiêu kinh doanh có lãi và từng bước mở rộng hoạt động môi giới, tuy nhiên, do những biến động khó dự đoán của TTCK cũng như sự sụt giảm mạnh của giá dầu trên thế giới nên lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2015 bị âm hơn 68 tỷ đồng (chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư vào một số cổ phiếu dầu khí) - không đạt được kế hoạch đặt ra.
Ngoài ra, việc giảm số dư cũng như lãi suất tiền gửi kéo theo sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của hoạt động kinh doanh nguồn vốn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận. Kết thúc năm 2015, tổng tài sản của KLS giảm xuống còn 2.372,5 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 2.272,2 tỷ đồng.
Theo tính toán của HĐQT KLS, giá thanh lý cổ phiếu tại thời điểm 31-12-2015 ở mức chiết khấu 10% và 15% giá trị thanh lý của tài sản ròng (hơn 2.000 tỷ đồng), mỗi cổ phiếu có giá tương ứng 11.221 đồng/cổ phiếu và 10.598 đồng/cổ phiếu (KLS có 182,25 triệu cổ phiếu lưu hành); tại thời điểm 31-3-2016 tương ứng 11.240 đồng/cổ phiếu và 10.615 đồng/cổ phiếu. Hiện KLS có khoảng 13.000 cổ đông.
Theo ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT KLS, 2 năm trước, công ty trả cổ tức cho cổ đông ở mức 8% và 7%, nhưng năm 2016 sẽ không trả được cổ tức, vì năm 2015 công ty lỗ. Hiệu quả hoạt động của KLS như vậy là không tốt. Thị giá cổ phiếu cũng dưới giá trị sổ sách (hiện khoảng 9.000 đồng/cổ phiếu).
"Trước thực tế thị giá và giá trị thanh lý của KLS có sự chênh lệch như vậy, một số cổ đông KLS đã có kiến nghị công ty giải thể, trả lại tiền cho cổ đông. Xét trên quyền lợi của cổ đông, việc này hợp lý và đây cũng là quyền của họ. Sau nhiều trăn trở, HĐQT quyết định trình đại hội đồng cổ đông phương án giải thể KLS. Đây là một quyết định khó khăn, nhưng tôi tin điều này cũng là ý nguyện của đa số cổ đông. Có một sự may mắn ở đây, đó là KLS vẫn giữ được tiền. Khác với các loại hình doanh nghiệp khác, đặc thù ngành nghề CTCK, nên tài sản chủ yếu của KLS là tiền mặt và cổ phiếu (khoảng 2.000 tỷ đồng). Vì thế KLS có điều kiện để chia tiền cho cổ đông khi đại hội đồng cổ đông thông qua phương án này" - ông Nam nói.
Chia sẻ về hoạt động đầu tư, nguồn tin từ KLS, cho biết, năm 2015, danh mục tự doanh của KLS chủ yếu là cổ phiếu dầu khí nhưng không ngờ giá dầu liên tục lao dốc, cổ phiếu ngành này cũng lao theo. Việc nhận định sai này đã khiến năm vừa qua KLS lỗ 68 tỷ đồng. Quý I, cổ phiếu dầu khí hồi phục dù chưa bằng với giá đã đầu tư nhưng cũng giúp công ty lãi 3,8 tỷ đồng.
"Không phải bắt buộc đóng cửa mà là việc này có lợi hơn cho các bên khi kinh doanh chứng khoán không hiệu quả và việc rút vốn sẽ mang lại hiệu quả hơn. Quyết định giải thể được chúng tôi tính toán để giải thoát cho các bên khi triển vọng không tốt. Việc giải thể, quyền lợi của cổ đông, cán bộ nhân viên được đảm bảo (KLS có 20 tỷ đồng quỹ phúc lợi trong khi chỉ có 80 người). Thậm chí, với giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường 9.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá thanh lý khoảng 11.000 đồng, nhà đầu tư khi đầu tư thậm chí có lợi nhuận đến 20%" - vị này nói.
Theo danh sách cổ đông của công ty tại ngày 7-3, cổ đông lớn chiếm hơn 22%, cổ đông sở hữu từ 1% đến dưới 5% chiếm gần 30% và phần còn lại hơn 48% là cổ đông sở hữu dưới 1% vốn. Trong số này, có 12,83% vốn của KLS được các cổ đông tổ chức sở hữu và hơn 87% vốn trong tay của các cổ đông cá nhân. Việc quyết định giải thể sẽ được đại hội đồng cổ đông KLS quyết định vào ngày 25-4 tới.