Được gắn chặt vào vai, ngực, thắt lưng, đầu gối và bàn chân, khung xương trợ lực cho phép Oscar – người mắc chứng thần kinh di truyền (dây thần kinh không gửi đủ các tín hiệu đến chân) – có thể đi lại trong phòng.
“Trước đây, tôi cần ai đó giúp tôi đi lại”, và giờ đây “điều này khiến tôi cảm thấy mình có thể sống độc lập hơn”, Oscar nói.
Cha của Oscar, Jean-Louis Constanza, kể lại rằng khi Oscar gợi ý với ông: “Cha, cha là một kỹ sư robot, sao cha không tạo ra một con robot hỗ trợ con người trong việc đi lại?” ông đã quả quyết với Oscar rằng, mười năm nữa, xe lăn sẽ không còn tồn tại, hoặc chí ít là giảm đi rất nhiều.
Hiện nay, Jean-Louis Constanza là một trong những người đồng sáng lập công ty sản xuất khung xương trợ lực Wandercraft, có trụ sở tại Paris.
Ngoài Wandercraft, trên thế giới cũng còn nhiều công ty sản xuất khung xương trợ lực. Các công ty ngày càng tập trung vào việc cải thiện trọng lượng của khung xương nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Một số công ty tập trung vào việc giúp người khuyết tật đi lại, trong khi một số khác cung cấp một loạt ứng dụng khác, bao gồm việc hỗ trợ công nhân nhà máy giảm bớt mỏi mệt khi phải đứng nhiều.
Bộ khung xương trợ lực của Wandercraft, một bộ khung vừa hỗ trợ vừa mô phỏng chuyển động của cơ thể người, đã được bán cho hàng chục bệnh viện ở Pháp, Luxembourg và Hoa Kỳ, với giá khoảng 176.000 USD mỗi bộ, Constanza cho biết.
Hiện tại, bộ khung này vẫn chưa được cung cấp cho các nhu cầu sử dụng cá nhân, và đó là mục tiêu tiếp theo mà công ty đang nhắm tới. Các kỹ sư của Wandercraft cho biết một bộ khung sử dụng cho mục đích cá nhân sẽ cần phải nhẹ hơn nhiều nữa.
Kevin Piette, 33 tuổi, người đã mất khả năng đi lại trong một vụ tai nạn xe đạp 10 năm trước, đeo thử bộ khung lên người, và bắt đầu bước đi với chiếc điều khiển từ xa trong tay. Piette chia sẻ: “Suy cho đến cùng thì cách vận hành cũng khá giống nhau: thay vì thông tin được truyền từ bộ não xuống chân, giờ đây nó có thể được truyền từ điều khiển xuống chân”.