Rác thải, ngập nước
Thảo luận tại tổ, vấn đề ô nhiễm môi trường, phát triển đô thị, xây dựng không phép… là những nội dung được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Nguyễn Thị Kim Dung phản ánh Quốc lộ 50 đi qua địa bàn huyện Bình Chánh thường xuyên bị ngập nước, dù UBND TP đã có chỉ đạo xử lý nhưng vẫn rất chậm.
Xả rác, ô nhiễm môi trường là vấn đề rất bức xúc hiện nay, trong đó phần lớn do ý thức của người dân. Cũng cá nhân đó nhưng nếu qua Singapore không dám xả rác bừa bãi mà tự động bỏ vào thùng rác. Nhưng ở trong nước đụng đâu vứt đó. Thực trạng này cho thấy, ngoài ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của nhiều người kém, còn do việc xử phạt, chế tài của chúng ta không nghiêm. ĐB Diễm Tuyết |
"Người dân rất bức xúc khi đi trên 1 con đường, phía quận Bình Tân không sao nhưng qua Bình Chánh bị ngập nước. Cần có giải pháp rõ ràng đối với trường hợp này" - ĐB Dung nói và cho rằng để giảm ngập hiệu quả khâu nạo vét sông, kênh, rạch nên phân cấp về cho quận huyện nhiều hơn để địa phương chủ động. Đồng tình, ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân nói bên cạnh việc phân quyền cho quận huyện cần tuyên truyền ý thức chống ngập cho người dân nhiều hơn, nhất là đang trong mùa mưa này.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tô Thị Bích Châu nhận định vẫn còn một bộ phận người dân chưa quan tâm chung tay giảm ngập. Trong đó, tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước, kênh, nắp cống, hố ga đang rất phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước, ứ nước, ô nhiễm môi trường. "Đề nghị các cấp chính quyền xử phạt thật nghiêm những hành vi làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường của TP" - bà Châu yêu cầu. ĐB Nguyễn Tấn Tuyến nhấn mạnh ngập nước đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân, nhất là khu vực cửa ngõ TP. Điển hình là ngã ba Tân Kiên (từ đường Võ Văn Kiệt đến đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh).
Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Giao thông - Vận tải TP, cho biết vừa qua sở đã đi khảo sát khu vực này. Đây là các dự án lớn, trọng điểm liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên sở sẽ làm việc với quận Bình Tân, huyện Bình Chánh khắc phục tình trạng trên. Đại diện Sở GTVT cho biết thêm đối với dự án cải tạo mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp ranh Long An thuộc dự án đầu tư bổ sung cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 An Sương - An Lạc thuộc địa phận TPHCM.
Tuy nhiên, dự án này đang tạm ngừng vì nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sở đã kiến nghị TP đầu tư theo ngân sách TP. Trong khi chờ TP đồng ý, sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan để sửa chữa, lắp các biển cảnh báo giao thông những đoạn đường hư hỏng, đồng thời phối hợp với đơn vị chống ngập để xử lý khi có ngập nước.
Ngập nước mỗi khi mưa xuống là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM.
Tái diễn nhà không phép
Câu chuyện nhà không phép, trái phép cũng được các ĐB đề cập. ĐB Cao Thanh Bình cho biết trong 1.024 trường hợp vi phạm có đến 351 không phép, 526 sai phép. "Đây là tỷ lệ rất cao, trên 80%. Trong khi đó, số lượng kiểm tra công trình xây dựng lại giảm khi tình hình ngày càng diễn biến phức tạp" - ông Bình nói. Theo ông Bình, lẽ ra phải tăng cường kiểm tra công trình lại giảm đến 18.390 lượt, so với cùng kỳ giảm hơn 35%.
Ông đặt vấn đề: "Tôi muốn các ngành có liên quan phân tích vì sao. Cán bộ thiếu hay tập trung vào lĩnh vực nào khác mà số lượng kiểm tra lại giảm đi như vậy? Có phải do thiếu tăng cường kiểm tra mà số lượng không phép, sai phép tăng?".
Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng TP cho biết việc số lượng kiểm tra vi phạm xây dựng giảm hơn 35% là do số giấy phép xây dựng đã giảm. Vị này nói một công trình xây dựng với một giấy phép xây dựng từ khi khởi công đến khi hoàn thành bị kiểm tra ít nhất 3 lần. Còn số lượng giấy phép xây dựng giảm là do số lượng xây dựng không phép giảm 50%, địa phương cũng tăng cường phối hợp tuần tra các địa bàn nên xây dựng không phép giảm (?!).
Trong khi đó, ĐB Lê Thị Kim Hồng cho hay một trong những vấn đề người dân bức xúc hiện nay là việc quản lý sử dụng đất công còn bị buông lỏng, gây lãng phí lớn. Liên quan đến nguồn lực đất đai, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua Thủ tướng đã đồng ý cho TP chuyển 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ. "Đây là nguồn lực rất to lớn, tạo nguồn vốn cho TP phát triển. Giá trị ước tính sơ bộ 1,5 triệu tỷ đồng nếu đem đấu giá" - ông Nhân nói. Lý giải về việc chuyển đổi đất, ông Nhân nhìn nhận nguồn lực đất đai của TP dành cho công nghiệp, dịch vụ, đô thị chưa tương xứng, trong khi đó nguồn lực đất đai dành cho nông nghiệp còn nhiều nhưng chưa biết cách khai thác.
Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp, ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP), cho biết thêm 26.000ha là con số TP được Thủ tướng cho phép chuyển đổi đến năm 2020 không được phép vượt quá. Còn tiến trình như thế nào Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ xây dựng kế hoạch để báo cáo UBND TP xem xét, trình HĐND. Theo ông Kiên, hàng năm các quận huyện đều xây dựng kế hoạch sử dụng đất dựa trên nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư cũng như của người dân. HĐND có chức năng xem xét, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoặc thu hồi. Khi UBND TP có tờ trình, HĐND sẽ có trách nhiệm thẩm tra để xem xét thông qua hay phải điều chỉnh.
“Hiện nay trên thống kê 26.000ha đó trên pháp lý vẫn là đất trồng lúa, do các tổ chức hoặc người dân đang quản lý. Như tại các quận 2, quận 9, Hóc Môn, Nhà Bè… nhiều người dân vẫn sở hữu đất lúa rất nhiều chưa có nhu cầu đổi sổ hay chuyển mục đích. Trong quy hoạch sử dụng đất việc đất lúa vẫn còn nghĩa là TP vẫn dự trữ một diện tích đất lúa, không phải chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang đất phi nông nghiệp" - ông Kiên cho biết.