Kỳ vĩ Tam Cốc

(ĐTTCO) - “Vịnh Hạ Long trên cạn” là danh hiệu du khách thường gọi thay cho Tam Cốc Bích Động, đây là danh thắng nổi tiếng nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình.
Kỳ vĩ Tam Cốc ảnh 1
“Vịnh Hạ Long trên cạn” là danh hiệu du khách thường gọi thay cho Tam Cốc Bích Động, đây là danh thắng nổi tiếng nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình.
Tạo hóa thiên nhiên
Cốc trong tiếng Hán được giải nghĩa là dòng nước chảy 2 quả núi. Tam Cốc nghĩa là có 3 dòng nước chảy giữa 2 quả núi. Tuy vậy, nước ở Tam Cốc không chỉ chảy giữa 2 quả núi mà chảy xuyên qua chân núi tạo thành các hang. Tam Cốc có 3 hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Du lịch Tam Cốc chính là sự trải nghiệm đi xuyên qua 3 hang này.
Đến Tam Cốc, du khách chỉ có cách duy nhất đi đò từ bến Đình Các. Từ bến Đình Các đi hết 3 hang chừng 2km và ngược ra, tổng cộng mất chừng gần 1 giờ. Du khách sẽ đi trên con sông Ngô Đồng, bởi theo người dân địa phương trước đây 2 bên bờ mọc nhiều cây ngô đồng. Con sông nước trong vắt, dễ dàng nhìn thấy các sinh vật phù du dưới nước. Vào mùa nước lên sông có thể sâu hơn 2m nên du khách bắt buộc phải mặc áo phao khi đi đò.
Đi dọc sông Ngô Đồng, 2 bên bờ là các dãy núi đá vôi sừng sững, nhấp nhô như sóng mây. Chân các ngọn núi bị bào mòn tạo ra các hõm mà đò có thể lách vào được. Do được bao bọc bởi đá vôi, cùng địa hình lắt léo nên không khí trong Tam Cốc rất trong lành, mát mẻ về mùa hè, và lạnh hơn chút ít vào mùa đông.
Du khách sẽ được khám phá hang đầu tiên là hang Cả dài 150m. Đây là hang lớn nhất trong 3 hang. Được hình thành từ hàng trăm triệu năm trước nên trên bề mặt hang có nhiều nhũ đá rất đẹp. Để xem được du khách phải bật đèn pin vì trong hang rất tối. Nhiều đoạn nhũ đá thấp có thể chạm đầu, nên mọi người được khuyến cáo không đứng lên và chú ý quan sát. Các động cách nhau khoảng 700m, hang Cả cũng là hang có ngọn núi cao nhất mà giới nhiếp ảnh gia thường lên đây chụp ảnh lúa chín vàng.
Quan sát kỹ trên các vách núi, du khách còn được thấy “đặc sản” Ninh Bình đó là dê núi. Các chú dê nhảy từ mỏm núi này sang mỏm núi khác một cách dễ dàng. Chúng sinh tồn tự nhiên vì vậy mọi hoạt động săn bắt trong khu du lịch đều bị ngăn cấm. Tuy vậy, đôi khi có những vụ “tai nạn” không mong muốn do đá trơn trợt, khiến dê bị ngã.

Phát huy giá trị du lịch
Ngoài việc được thiên nhiên ưu ái, Tam Cốc còn là nơi giàu tài nguyên nhân văn, sự kết hợp này là nội lực để Tam Cốc phát huy giá trị du lịch. Từ lâu đời, cư dân sống trong Tam Cốc đã gieo trồng một loại lúa đặc biệt, lúa có thể chịu được ngập nước mà gạo lại dẻo thơm, đó là giống lúa Thục Hưng. Lúa Thục Hưng thân cao hơn lúa thường, sức sống tốt hơn. Tuy nhiên, lúa Thục Hưng chỉ trồng một vụ trong năm, do vụ mùa có nhiều bão nên cho năng suất không cao. Vào tháng 5 dương lịch là khi lúa vụ chiêm trổ bông vàng óng, nhìn từ trên cao, các dòng nước như những dải lụa vàng luồn lách qua từng tảng núi. Dịp này được gọi là mùa vàng Tam Cốc, thu hút hàng vạn khách du lịch, nhiếp ảnh gia ghé thăm.
Tô điểm cho cánh đồng lúa là những đàn cò quanh vùng về kiếm ăn. Cò chủ yếu đến từ Thung Nham, cách Tam Cốc không xa. Chúng chỉ ăn tôm, tép, ốc mà không phá lúa. Mỗi chiều, khi hoàng hôn thả bóng, từng đàn cò cất cánh về tổ tạo nên khung cảnh trữ tình, thiên nhiên hoang dã. Tam Cốc còn được mệnh danh là xứ sở hoa lan. Ở đây có nhiều loại lan rừng rất quý do người dân leo lên các mỏm đá lấy về rồi giâm, chiết. Họ làm những túp lều nhỏ ở khe núi, treo lan và bán tại đó, thường dân “sành” về lan sẽ tìm đến các “cửa hàng lan” vô danh này để chơi.
Nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử gắn liền với công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc như đền Thái Vi - nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Trần Thị Dung. Đây cũng là nơi một cánh quân nhà Trần xuất quân trong kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược. Ngoài ra còn di tích công binh xưởng Nguyễn Công Cậy gồm 5 hang sâu, là nơi bộ đội chế tạo vũ khí trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh đó, còn các điểm di tích khác nổi bật như chùa Bích Động nằm trong hang Bích Động được mệnh danh là Nam Thiên đệ nhị động, hang Múa là nơi giới trẻ đến check-in rất nhiều. Trước đây hang múa là nơi biểu diễn văn nghệ, múa hát của cung nữ thời nhà Trần.
Du lịch Tam Cốc du khách không phải bận tâm về vấn đề dịch vụ, giá cả. Các hoạt động như chèo đò, chụp ảnh, ăn uống đều được ban quản lý quản lý rất chặt chẽ. Các thợ thuyền (chủ yếu là dân xã Ninh Hải) phải đăng ký trước để chở khách, đảm bảo gia đình nào cũng có thu nhập từ dịch vụ chèo thuyền và có mức giá cố định. Thợ thuyền ở Tam Cốc hầu hết đều chèo đò bằng chân, giúp tiết kiệm sức lực. Họ còn được du khách nước ngoài gọi vui là các “nghệ nhân chèo đò”. 

Các tin khác