2012 là năm được nhìn nhận có nhiều bất ổn với cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn ở khu vực đồng tiền chung euro, nợ công ở Hoa Kỳ, sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi. Trong bối cảnh chung này, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và phải giải quyết như lạm phát cao, lãi suất tín dụng VNĐ cao, thị trường chứng khoán xuống mức thấp kỷ lục và thị trường bất động sản suy giảm. ĐTTC xin trích đăng một số ý kiến của chuyên gia, các nhà kinh tế đầu ngành, DN về những kỳ vọng trong năm 2012.
Ông TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:
Lạm phát giảm
Năm 2012 việc kiềm chế lạm phát ở mức 9% có khả năng thực hiện được vì những kinh nghiệm rút ra sau những cú vấp ngã. Tuy lạm phát 9% vẫn là rất khó với DN, song cũng nhẹ nhàng hơn năm 2011. Lạm phát giảm kéo theo lãi suất giảm sẽ khiến cho các DN dễ thở.
Kết quả của một nghiên cứu cho thấy, nếu lạm phát ở mức 9% thì lãi suất huy động của năm 2012 khoảng 11%/năm, lãi suất cho vay có thể 14-15%/năm.
Bên cạnh đó, thông điệp của Chính phủ đã thể hiện rõ ràng thái độ sẽ giảm mức huy động vào ngân sách nhà nước để nuôi dưỡng nguồn thu và tăng sức đầu tư từ khu vực tư nhân, tư tưởng chung là giảm bớt khó khăn cho DN.
TS. LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
Tái cơ cấu - cơ hội cho DN
Năm 2011, dù nền kinh tế đang phải đối phó với nhiều khó khăn như tỷ lệ lạm phát và lãi suất ngân hàng ở mức cao, thị trường vốn ảm đạm… song những kết quả từ việc thực hiện Nghị quyết 11 đã giúp kinh tế đạt những kết quả khả quan: GDP tăng gần 6%, xuất khẩu tăng 33%, nhập siêu giảm mạnh.
Đặc biệt, cán cân thanh toán đã bội thu 3 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ được cải thiện và tỷ giá được giữ ổn định trong những tháng cuối năm… Những kết quả này là tiền đề quan trọng để nước ta thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.
Dự báo, năm 2012 nền kinh tế sẽ có nhiều điểm sáng như có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản, lãi suất ngân hàng giảm theo lạm phát…
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu đầu tư, ngân hàng thương mại và các tập đoàn kinh tế sẽ đem lại những cơ hội mới cho DN.
![]() |
Lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng thiếu yếu dự báo vẫn tăng trưởng tốt. Ảnh: LÃ ANH |
-Ông ĐOÀN HỒNG QUANG, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới:
Phát huy sự đồng thuận
2012 sẽ là năm có nhiều bất ổn. Các DN cần cẩn trọng trong việc phát triển kinh doanh. DN nào tận dụng được những cơ hội của thị trường như việc mua bán/sáp nhập, vượt qua được thách thức như nguồn vốn/thanh khoản hạn chế, sẽ gặt hái thành công.
25 năm trước, Việt Nam đã biến một cuộc khủng hoảng thành cơ hội do có sự đồng thuận cao. Tuy nhiên cũng phải mất vài năm để phát triển tầm nhìn đó thành một kế hoạch hành động chi tiết. Việt Nam bước sang năm 2012 với nhiều thách thức và yếu điểm về cấu trúc còn tồn tại.
Một sự đồng thuận về việc tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được, nhưng cần có thời gian để xây dựng một kế hoạch hành động khả thi có thể cân bằng các nhóm lợi ích khác nhau và đảm bảo nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Đó là việc sử dụng tổng hợp sức mạnh của thị trường và vai trò hỗ trợ của Nhà nước, vạch ra tiến trình mới nhằm xây dựng một nền kinh tế hiệu quả hơn và một xã hội có năng suất lao động cao hơn.
Ông PHẠM HỒNG HẢI, Giám đốc Kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn, HSBC VN:
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới
Năm 2012 DN cần lưu ý một số vấn đề như cẩn trọng trong phát triển kinh doanh; nguồn vốn/thanh khoản quan trọng hơn lợi nhuận; quản lý rủi ro thị trường một cách cẩn thận…
Bên cạnh đó, DN cần tận dụng những lợi ích từ xu hướng thị trường. Chẳng hạn như tận dụng lợi thế của xu hướng dịch vụ thuê ngoài từ những nước phát triển đến những nước đang phát triển; kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu/cơ bản, giáo dục và các lĩnh vực dịch vụ y tế.
Ông NGUYỄN THANH TRUNG, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tôn Đông Á:
Đầu tư đón đầu tăng trưởng
Tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất “chấp nhận được” để duy trì sản xuất, mở rộng đầu tư là thách thức suốt năm 2011 của các DN. Năm 2012, thách thức này vẫn tiếp tục được đặt ra.
Dù vậy, nhiều DN vẫn triển khai những kế hoạch đầu tư đón đầu ngay trong năm nay. Chúng tôi cho rằng năm 2012 nền kinh tế vẫn đối diện nhiều khó khăn, nhưng những năm tiếp theo sẽ có những bước phát triển rõ rệt. Vì thế chúng tôi đã quyết định mở rộng đầu tư để đón đầu sự phát triển của năm 2013 và 2014.
Chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện tốt bởi đã có sự chuẩn bị nguồn vốn cho việc đầu tư này từ 2 năm trước. Kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở, vì trong năm 2011 dù tình hình tiêu thụ trong nước có khó khăn nhưng Tôn Đông Á vẫn đẩy mạnh được xuất khẩu và duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Theo đó, năm 2012, công ty phấn đầu tăng sản lượng 25%, xuất khẩu chiếm 30% tổng thị phần.
Ông VĂN ĐỨC MƯỜI, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan):
Tin tưởng dự án 150 triệu USD
Có nhiều lý do để DN chúng tôi có cái nhìn lạc quan trong năm 2012. Đó là những nỗ lực của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục được thực hiện trong năm 2012.
Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, dù luôn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam vẫn là nước có mức tăng trưởng hấp dẫn nhất châu Á.
Vì thế khi quyết định thực hiện dự án 150 triệu USD đầu tư cụm công nghiệp chế biến thực phẩm, chúng tôi rất tin tưởng vào sự thành công. Dự án được khởi công cuối tháng 11-2011 và sẽ hoàn thành vào năm 2020, dù trước đó đã nhiều lần phải hoãn khởi công vì vấn đề vốn.
Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng của Vissan trong năm 2012. Cụm công nghiệp này được hoàn thành vào năm 2020 sẽ cung cấp mỗi năm 60.000 tấn thịt lợn, 21.000 tấn thịt trâu, bò, 6.000 tấn thịt gà, vịt và 75.000 tấn thực phẩm chế biến. Tổng doanh thu vào năm 2020 dự kiến đạt 25.000 tỷ đồng.