Theo số liệu thống kê từ CTCK BIDV (BSC), VN Index có mức P/E, P/B lần lượt 12,7x và 1,74x, còn HNX Index 10,8x và 1x. So với mức bình quân P/E 17,3x và P/B 1,8x của 20 nước khu vực, mặt bằng giá CP trên TTCK Việt Nam vẫn khá hấp dẫn.
Cũng theo BSC, P/E của VN Index giảm 1 bậc xuống vị trí thứ 5, còn HNX Index tăng 8 bậc lên vị thứ 3 trong các nước có P/E rẻ nhất trong khu vực. P/E của HNX Index có sự chuyển biến mạnh mẽ chủ yếu do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy, doanh nghiệp niêm yết trên HNX có mức tăng mạnh gần 31% trong quý I với 342/366 có lợi nhuận sau thuế dương (đạt 2.864 tỷ đồng). Trái ngược với kết quả kinh doanh cải thiện mạnh trên HNX, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE không có tăng trưởng trong quý I.
Lợi nhuận sau thuế của 290/303 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đạt 18.116 tỷ đồng (giảm 0,3%). Lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do GAS có mức giảm lợi nhuận 573 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy vậy, nếu loại bỏ biến động lợi nhuận của GAS, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết chỉ tăng 3,5%.
Đây là mức tăng khá khiêm tốn nếu so với sự cải thiện của các doanh nghiệp trên HNX. Kết quả kinh doanh không cải thiện khiến P/E trên HOSE tăng khá nhanh khi thị trường hồi phục.
Từ góc độ NĐTNN, TTCK Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn về mức định giá. Dù vậy, việc tiếp cận với những CP tốt, có quy mô không dễ dàng với các quỹ đầu tư quốc tế và quỹ ETF, do phần lớn CP có quy mô và tốt đều hết room. Đây là rào cản về mặt kỹ thuật trong quá trình tiếp cận thị trường Việt Nam.
Kỳ vọng mở room cho khối ngoại là đề tài mong đợi nhất của NĐTNN trong nhiều năm qua, cũng như mong muốn của thị trường trong việc nhìn thấy cơ hội thị trường và thanh khoản cải thiện. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên Nghị định sửa đổi 58 luôn là đề tài nóng bỏng và được kỳ vọng nhất của thị trường trong năm nay.