Hôm nay 12-11, Quốc hội bắt đầu thực hiện chương trình chất vấn các thành viên Chính phủ. Chương trình sẽ kéo dài trong 2,5 ngày, lần lượt sẽ có 4 vị bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội (Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến).
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Một điểm khá mới là trước khi các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ được nghe Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.
Trước đó, 9 vị "tư lệnh" các ngành giao thông, nông nghiệp, giáo dục, tài chính, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, công thương, công an và ngân hàng cũng đã gửi báo cáo kết quả thực hiện “lời hứa” tại các phiên trả lời chất vấn đến từng vị đại biểu Quốc hội.
Việc công khai kết quả thực hiện “lời hứa” của các vị bộ trưởng, trưởng ngành là một cải cách cần thiết, tạo điều kiện để Quốc hội và nhân dân làm tốt công tác giám sát, và cũng là cơ sở để đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn có hiệu quả hơn tại kỳ họp lần này.
Theo báo cáo của UBTVQH, nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn tại kỳ họp lần này đều là những vấn đề nóng, cần có sự giải đáp thấu tình đạt lý từ đại diện cơ quan quản lý và điều hành chính sách. Nhân dân kỳ vọng thông qua phiên chất vấn, các vị bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tăng cường trách nhiệm, đưa ra được các giải pháp phù hợp và hiệu quả để giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong đời sống kinh tế-xã hội.
Đối với Bộ trưởng Công Thương, đó là trách nhiệm trên nhiều lĩnh vực như sản xuất kinh doanh bị đình trệ, xử lý hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan. Giải pháp phát triển thị trường hàng hóa trong nước, ngoài nước, công tác quy hoạch và phát triển thủy điện cũng nằm trong nội dung đề nghị Bộ trưởng Công thương có câu trả lời thỏa đáng.
Vấn đề nổi lên trong nội dung chất vấn Bộ trưởng Xây dựng là trách nhiệm quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, nhất là xử lý tình trạng bất động sản đóng băng, đất bỏ hoang; đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu đô thị mới. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng thủy điện; quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch đô thị; vấn đề tham nhũng, thất thoát trong ngành xây dựng; việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Luật Nhà ở.
Với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, nội dung chất vấn đều là những vấn đề “nóng” như xử lý nợ xấu; đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; xử lý ngân hàng yếu kém, những vụ việc tiêu cực trong ngành, vi phạm vượt trần lãi suất quy định; việc quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng miếng, biến động giá vàng trong nước...
Là người đăng đàn cuối cùng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời về trách nhiệm cá nhân trong việc đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, trong đó có vấn đề y đức, ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực nghề nghiệp… của đội ngũ y bác sĩ. Bên cạnh đó là công tác quản lý dược phẩm, giá thuốc, viện phí; hành nghề y, dược tư nhân, nhất là việc cấp phép hành nghề cho cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài…
Chất vấn là để làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu ngành, lĩnh vực mà mình quản lý, giải đáp bức xúc của nhân dân nhằm giải quyết nhanh hơn, tốt hơn những vấn đề đặt ra trong phạm vi phụ trách. Bởi thế, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được cử tri mong đợi.
Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6. Chính vì thế, người dân kỳ vọng phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội lần này sẽ được cải cách theo hướng đề cao tính trách nhiệm của người đứng đầu, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm tạo ra những chuyển biến mới trong đời sống kinh tế - xã hội.