Kỳ vọng sớm có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để duy trì 'đầu tàu' TPHCM

(ĐTTCO) - Tôi thấy khá bất ngờ với tốc độ tăng trưởng của TPHCM chỉ có 0,7%. Nhìn vào cơ cấu, khó khăn này nằm nhiều ở lĩnh vực công nghiệp và chế biến, chế tạo.
Kỳ vọng sớm có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để duy trì 'đầu tàu' TPHCM

Còn lĩnh vực dịch vụ của TPHCM như doanh thu bán lẻ, du lịch, lưu trú, ăn uống đều tăng trưởng tốt hơn các tỉnh khác. Phải chăng do nội tại TPHCM có vấn đề?

Bởi nếu so sánh với các tỉnh khác cũng dựa vào sản xuất công nghiệp và chế biến, chế tạo lại có tốc độ tăng trưởng rất tốt, thí dụ như Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương… Trong khi đó, một số địa phương khác lại có tốc độ tăng trưởng rất chậm, thậm chí ngành công nghiệp còn âm, thí dụ như TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Nhìn sâu thêm một chút sẽ thấy trong quý I-2023, sự sụt giảm của ngành nghề sản xuất ô tô, xe máy, linh kiện điện tử cũng đã xảy ra với các địa phương như Quảng Nam, Bắc Ninh - là những địa phương dựa vào các ngành này, còn TPHCM lại không dựa vào những lĩnh vực này.

Rõ ràng 2 bức tranh rất trái ngược nhau. Do đó sự sụt giảm của TPHCM rất đáng quan tâm. Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu cấp thiết lúc này là cần tìm ra đâu là điểm nghẽn, là sự cản trở sự phát triển của TPHCM. Bởi TPHCM còn là một đầu tàu kinh tế của cả nước, được kỳ vọng sẽ dẫn dắt, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế chung.

Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM cho đến nay sau 5 năm không có gì nổi trội. Hiện Chính phủ đã có tờ trình UBTVQH đề nghị bổ sung Nghị quyết một số cơ chế chính sách đặc thù vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm nay (thay thế Nghị quyết 54). Tuy nhiên, trong bối cảnh này, về nghị quyết thay thế cũng cần có mấy gợi ý.

Thứ nhất, đặt mục tiêu cho nghị quyết mới không chỉ giúp cho TPHCM khôi phục lại đà tăng trưởng, mà nên tạo cơ chế để làm động lực cho TPHCM tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như vị trí mà TPHCM đã xác định trong các nghị quyết về kinh tế vùng gần đây.

Thứ hai về các biện pháp chính sách, ngoài những cơ chế về đầu tư tài chính, thu hút đầu tư, ngân sách, phân cấp, phân quyền… theo tôi cần sự nhìn nhận đánh giá để sao cho nghị quyết này thực sự tháo gỡ cơ bản những điểm nghẽn của TPHCM. Và lúc này, có lẽ không ai nhìn nhận rõ hơn TPHCM, để từ đó có được đề xuất về cơ chế nào, điểm nào, điều gì đang thực sự kìm hãm TPHCM.

Về nghị quyết mới, theo tôi phải tính là dài hạn. Về tính cấp thiết, rõ ràng phải càng sớm càng tốt. Chính phủ, TPHCM, các bộ ngành khác, nếu muốn thúc đẩy nhanh cần phải nỗ lực hoàn thiện tốt nhất, nâng cao chất lượng khi trình ra Quốc hội thì nghị quyết mới đảm bảo được thông qua, rút ngắn được thời gian. Bởi chất lượng nghị quyết rất quan trọng.

Nhưng trước khi có nghị quyết, ngay tại thời điểm hiện nay, TPHCM nên rà soát một cách nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện để tìm ra được đâu là điểm nghẽn, đâu là lực cản đang cản trở TPHCM. Trong phạm vi của Chính phủ, phạm vi của TPHCM, nên ưu tiên những giải pháp trước mắt song song với những giải pháp được cho là căn cơ, dài hơi hơn nghị quyết mới.

Tôi rất mong muốn nghị quyết mới này sẽ có giải pháp toàn diện hơn để giải quyết được căn cơ các điểm nghẽn, minh chứng nhìn vào con số tăng trưởng của quý I-2023 thì điểm nghẽn đang khá nghiêm trọng.

Các tin khác