TPHCM: Chỉ số công nghiệp đang trong xu hướng phục hồi

(ĐTTCO) - Chỉ số sản xuất công nghiệp của TPHCM trong quý I-2023 ước giảm 0,9% so cùng kỳ 2022 (cùng kỳ tăng 1%) nhưng tốc độ giảm đã thu hẹp qua từng tháng. 
TPHCM: Chỉ số công nghiệp đang trong xu hướng phục hồi

Ngày 3-4, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức buổi họp báo định kỳ quý I để thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn.

Thời kỳ khó khăn nhất đã qua?

Về tình hình sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I ước giảm 0,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1%). Nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, áp lực chi phí đầu vào. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, sản lượng công nghiệp giảm nhưng đang trong xu hướng phục hồi tăng trưởng dương. Cụ thể, IIP tháng 1 giảm 15%, 2 tháng giảm 2,5%, 3 tháng giảm 0,9%.

Các nhóm ngành công nghiệp ghi nhận sự sụt giảm trên địa bàn như dệt may, da giày, điện tử... đều là những ngành phụ thuộc khá lớn vào thị trường xuất khẩu. Do đó, trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm, cả số lượng đơn hàng lẫn giá trị đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, sản lượng công nghiệp quý I ước tăng 8,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,4%).

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến và chế tạo cho thấy doanh nghiệp đang có cái nhìn lạc quan hơn. Cụ thể, khi đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý I-2023 so với quý IV-2022, có 18,6% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, 36,1% giữ ổn định và 45,3% khó khăn hơn. Tương tự, khi dự báo tình hình quý II-2023 so với trước, có 37,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 36,3% giữ ổn định và 26,3% khó khăn hơn.

Trước bối cảnh khó khăn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, đặc biệt thông qua Diễn đàn và Hội chợ hỗ trợ xuất khẩu TPHCM 2023. Chương trình dự kiến diễn ra từ ngày 25 đến 28-5 và tập trung vào 7 nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của TP.

Sẽ tập trung vào các chương trình kích cầu tiêu dùng

Cũng trong buổi họp hôm nay, Sở Công Thương đã thông tin về doanh thu bán lẻ hàng hoá trên địa bàn. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt 263.981 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022, cùng kỳ giảm 4,8%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 3 tháng ước đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1% và chiếm 61,97% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

Các chuỗi bán lẻ lớn đều ghi nhận tăng trưởng trong quý I như Saigon Coop tăng 5%, Central Retail 10%, Satra khoảng 7%...

Theo đánh giá từ các doanh nghiệp, sức mua hàng hóa tiêu dùng tăng nhưng xu hướng tăng không bền vững do giỏ hàng hóa bị mất cân xứng, chỉ tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng khác bị cắt giảm mạnh.

Vì thế, trong những tháng tiếp theo, để hỗ trợ sức mua, Sở Công Thương TP sẽ cùng các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, tập trung vào các chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Cũng tại buổi họp báo đại diện Sở Tài chính cho biết các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ở TPHCM năm nay vẫn thống nhất giữ ổn định mức giá so với năm 2022.

Các tin khác