Đừng để “đầu tàu” tụt dốc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố mới đây, tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) trong quý I-2023 chỉ tăng trưởng ở mức 0,7%, mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế trung bình của cả nước (3,32%), và thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hải Phòng 9,65%, Đà Nẵng 7,12%, Hà Nội 5,8% và Cần Thơ 4,02%).
Nếu bỏ qua giai đoạn các năm bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 mà so với các năm kinh tế ở trạng thái bình thường, đây có thể xem là mức tăng trưởng thấp nhất trong quý I của TPHCM trong nhiều năm qua. Mức tăng trưởng thấp trong quý I-2023 là sự cộng hưởng của sự sụt giảm đồng loạt nhiều ngành kinh tế, trong đó có những ngành đóng vai trò mũi nhọn.
Nguyên nhân dẫn đến đà tăng trưởng kinh tế của TPHCM chững lại, được xác định do bối cảnh kinh tế quốc tế và khu vực bất thuận. Đó là những thách thức toàn cầu về đứt gãy chuỗi cung ứng xuất phát từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu do chính sách tiền tệ của Mỹ và giá dầu tăng. Trong khi đó, ở trong nước việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát các hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu thời gian qua cũng tạo ra khó khăn chung cho các doanh nghiệp.
Trong báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) gửi UBND TP về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong tháng 3 và quý I-2023, cho thấy 41,2% số doanh nghiệp trên địa bàn được hỏi trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh. Có 64,7% doanh nghiệp cam kết giữ nguyên được số lao động hiện tại, nhưng có 17,65% doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm lao động, tương đương số có nhu cầu tuyển dụng thêm.
Theo HUBA, nhiều ngành từng là thế mạnh của TPHCM đến nay đều ghi nhận sụt giảm. Cụ thể, ngành lương thực-thực phẩm chỉ có một số sản phẩm đồ uống và thực phẩm có tăng trưởng, trong khi toàn ngành sụt giảm; doanh số quý I-2023 có khả năng giảm 2%. Nguyên nhân do từ đầu năm đến nay lượng hàng xuất khẩu giảm, tiêu thụ nội địa cũng giảm sâu do sức mua yếu.
Tương tự, ngành dệt may kim ngạch xuất khẩu giảm trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đang giảm giờ làm để duy trì, giữ chân người lao động. Trong khi đó, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không thay đổi.
Ngành bất động sản gần như “đóng băng”, các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng theo. Doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 1,5-2% của ngân hàng. Bởi lẽ tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản.
Đáng chú ý, các chuyên gia dự báo nếu tình hình không được cải thiện, quý II-2023 mức tăng trưởng kinh tế của TPHCM còn giảm sâu và thấp hơn so với quý I. Đây là điều đáng lo ngại, bởi TPHCM lâu nay vốn được xem là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, là động lực kinh tế của cả vùng khi có chỉ số mức độ lan tỏa kinh tế cao.
Cùng với đó, TPHCM cũng là một trong những địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước (năm 2023, TPHCM được giao chỉ tiêu thu ngân sách gần 470.000 tỷ đồng). Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước.
Vực dậy động lực tăng cơ chế đặc thù mới
Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, cho biết ông “ngạc nhiên và bất ngờ” trước các con số trên. Đây là điều rất đáng ngại. Hiển nhiên khi xét về nguyên nhân sẽ liệt kê ra rất nhiều để dẫn đến tình trạng tăng trưởng chững lại của kinh tế TPHCM. Song cái chính là TPHCM cần có sự đột phá, phải có người dám nghĩ, dám làm mạnh mẽ hơn nữa, bởi dường như tâm lý chung hiện nay của cán bộ là “sợ sai, không dám làm”.
“Minh chứng rõ nhất TPHCM là 1 trong 2 TP lớn của cả nước (cùng với TP Hà Nội) có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp nhất, đáng kinh ngạc. Việc giải ngân đầu tư công chậm còn do tâm lý “sợ không dám làm”, dẫn đến không tạo ra được động lực tăng trưởng và chất xúc tác để kéo các ngành kinh tế khác cùng tăng trưởng” - ông Thịnh nhận định.
Ông Thịnh dẫn chứng, năm 2023 TPHCM được Trung ương phân bổ hơn 70.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn địa phương tự cân đối, con số này tăng gần 2 lần so với 2022. Nhưng số liệu thống kê 2 tháng đầu năm cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương mới 369 tỷ đồng, đạt 1% so với kế hoạch đã giao, còn vốn ngân sách Trung ương thậm chí chỉ giải ngân 0,52% so với kế hoạch được giao. Đây là con số quá thấp. Cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, cơ chế nào dẫn đến tốc độ giải ngân chậm và tỷ lệ thấp như thế.
Để cải thiện tình trạng này, TPHCM cần có cơ chế quyết đoán, rộng mở hơn. Bên cạnh đó, Trung ương nên cho TPHCM cơ chế đặc thù hơn trong việc này, từ đó mới có thể cải thiện được tình trạng “tê liệt” như hiện nay.
Với hàng loạt dự án lớn có tính trọng điểm còn dang dở hoặc nằm chờ, khi được triển khai và giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, sẽ tạo ra động lực tăng trưởng cho TPHCM. Bởi đầu tư công luôn là động lực tăng trưởng, vì từ đó sẽ kéo theo nhiều ngành kinh tế liên quan khác cùng phát triển. Nhưng vấn đề là cần phải quyết đoán, dám làm.
Trong quý II-2023, TPHCM cũng sẽ chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 để hoàn thiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5. Đồng thời chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết mới ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Bà LÊ THỊ HUỲNH MAI, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM