Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp quý 2 năm 2023. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đây là những câu hỏi được Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên và các chuyên gia kinh tế nêu ra tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm”.
TPHCM phải tự nhìn lại để nỗ lực hơn nữa
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, năm 2022 TPHCM đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, lấy lại những gì đã mất do đại dịch gây ra trong năm 2021. Cuối năm 2022, các chỉ số của TPHCM đạt được rất tích cực, nhiều điểm sáng.
Năm 2023, TPHCM đã tập trung vào chủ đề năm với quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, thích ứng, tận dụng mọi cơ hội vượt qua khó khăn. TPHCM cũng dự báo tình hình năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nên đặt ra chỉ tiêu GRDP thấp hơn so với năm trước. Thế nhưng, trong quý I-2023, chỉ số này giảm sâu hơn dự tính.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: "Chúng ta phải tự xem lại để nỗ lực hơn nữa". Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, những ngày qua đã lắng nghe các ý kiến chia sẻ, phân tích và góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế - xã hội, nhà khoa học về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM. Điều này cho thấy toàn xã hội rất quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM. "Do đó, chúng ta phải tự xem lại để nỗ lực hơn nữa", đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM đặt vấn đề để hội nghị tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân, tình hình "sức khỏe" nền kinh tế TPHCM sau tác động của đại dịch Covid-19 đã thực sự khỏe lại chưa và có "phác đồ điều trị" phù hợp hay chưa? Trong đó, từng lĩnh vực, sở ngành, địa phương, cán bộ… phải xem lại những nỗ lực, giải pháp đề ra đã mang lại hiệu quả hay chưa? Qua đó, đề ra các giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội TPHCM phát triển trong những quý còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thu ngân sách đạt 26% dự toán năm
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I-2023, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thời gian qua, UBND TPHCM đã chủ động quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Trung ương, Thành ủy, HĐND bằng những giải pháp cụ thể. Các địa phương cũng đã kịp thời ban hành các văn bản để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ. Nhờ đó, kinh tế - xã hội quý I đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, quý I-2023, tăng trưởng GRDP ước đạt 360.600 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2022. Có 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng khá như: bán buôn, bán lẻ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Ngược lại, 4 ngành tăng trưởng âm gồm: vận tải kho bãi, thông tin và truyền thông, kinh doanh bất động sản, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý 1-2023. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 124.700 tỷ đồng, đạt 26% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương là 9.500 tỷ đồng, đạt 7% dự toán, giảm 8% so cùng kỳ.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, đến ngày 24-3, TP đã giải ngân 951 tỷ đồng, đạt 2% tổng số vốn giao. TP cũng đã họp giao ban giải ngân vốn đầu tư công, đề ra giải pháp khắc phục các hạn chế để đảm bảo giải ngân đạt 95% trong năm 2023 theo yêu cầu của Thủ tướng.
“Mặc dù Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác thực hiện các dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế. Việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt khoảng 2%”, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai thông tin.
Phân tích nguyên nhân còn tồn tại nhiều hạn chế, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, kinh tế TPHCM bị tác động bởi đà suy giảm của thế giới; thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu nhiều ngân hàng; doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh...
TPHCM sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; thống kê hằng tháng những cơ quan, đơn vị nhận được yêu cầu phối hợp nhưng không thực hiện hoặc chậm phản hồi gây ảnh hưởng tiến độ chung.
Ngoài ra, TP cũng sẽ đánh giá thi đua, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị tổ chức công khai thông tin công chức, viên chức xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn; rà soát, sắp xếp tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở ngành, quận huyện; hoàn thành đề án về chính sách, giải pháp tạo động lực cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Lành mạnh thị trường bất động sản
Đưa ra 12 giải pháp thực hiện trọng tâm cho quý II-2023, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, TPHCM sẽ tập trung giải quyết những nhóm việc trễ hạn của quý I, kiên quyết không để việc trễ hạn nhiệm vụ của quý I, quý II chuyển qua quý III.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu từng lĩnh vực, sở ngành, địa phương, cán bộ… phải xem lại những nỗ lực, giải pháp đề ra đã mang lại hiệu quả hay chưa?. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đồng thời, hoàn thiện dự thảo 3 Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch của UBND TPHCM thực hiện Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ; Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 33 Nghị quyết ban hành tại kỳ họp thứ 8 và 138 Nghị quyết ban hành từ đầu nhiệm kỳ HĐND TPHCM đến nay, tập trung giải quyết các kiến nghị cử tri.
“Khẩn trương nghiên cứu, trình HĐND TPHCM ban hành một số chính sách đặc thù trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thông qua những công cụ tài khóa thuộc thẩm quyền TP”, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai nói.
Trong quý II, TPHCM cũng sẽ chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 để hoàn thiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5. Đồng thời chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết mới ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
TP đồng thời triển khai chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, đề xuất đầu tư dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP; đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà ga T3, Metro 1, dự án Rạch Xuyên Tâm, nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 50... và các công trình đã khởi công.
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ triển khai cách làm minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; có phương án xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư.
TPHCM sẽ tổ chức thi tuyển ý tưởng Quy hoạch không gian xây dựng ngầm khu vực trung tâm hiện hữu thành phố và Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng đề án phối hợp giữa Sở TN-MT với các địa phương; rà soát quy hoạch đô thị dọc 2 bên tuyến đường Vành đai 3…
Tiếp tục triển khai nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm, tái khởi động lại các dự án bãi giữ xe cho thành phố. Tập trung triển khai chỉnh trang khu vực trung tâm: chợ Bến Thành, đường Lê lợi, bến Bạch Đằng, Công viên 23/9.
Ngoài ra, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động du lịch; đẩy nhanh nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo; đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe và an sinh, phúc lợi xã hội; tổ chức đón tiếp chu đáo và trọng thị các đoàn nguyên thủ và khách quốc tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Các đại biểu tham gia phiên họp, đồng thời đóng góp ý kiến để thúc đẩy kinh tế TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phải công khai minh bạch toàn bộ vấn đề
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, tình hình phát triển kinh tế của TPHCM chịu tác động rất lớn từ tình hình thế giới và trong nước. Khi kinh tế thế giới và trong nước phát triển tích cực thì yếu tố tích cực luôn được TP khai thác vượt trội, ngược lại thì ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên mức tăng trưởng của TPHCM chỉ đạt 0,7% trong quý I là bất ngờ hơn so với dự báo.
TS Trần Du Lịch cho rằng có nguyên nhân khách quan là trong quý IV-2022 rất không may cho kinh tế TPHCM và cả nước nói chung là bên ngoài chịu tác động của tình hình kinh tế thế giới, trong nước thì diễn ra chấn chỉnh thị trường bất động sản và tài chính. 2 yếu tố này cộng hưởng dẫn đến rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế, đặc biệt TPHCM là địa bàn chịu tác động trực tiếp và mạnh nhất trong cả nước.
Đến thời điểm này 2 yếu tố diễn ra vào quý IV-2022 đã giảm, nguy cơ đổ vỡ các ngân hàng trong nước đã vượt qua, kiểm soát được lãi suất, tỷ giá. Tác động tiêu cực đến TP giảm, nhưng tại sao tăng trưởng lại thấp như vậy?
TS Trần Du Lịch phân tích nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo TS Trần Du Lịch, có 3 động lực để thúc đẩy nền kinh tế là sử dụng công cụ đầu tư công, hấp thụ vốn và phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong quý I, TPHCM giải ngân đầu tư công chỉ đạt 2%, xem như đã bỏ hoàn toàn công cụ này. Thứ 2 là việc gỡ các thể chế để hấp thụ vốn vẫn chưa được quyết liệt, phải công khai minh bạch trong kêu gọi các dự án. Thứ 3 là việc khai thác thị trường nội địa của TP chưa được hiệu quả.
Như vậy, vấn đề là cả 3 trụ cột để thúc đẩy kinh tế, nói nôm na là “liều thuốc” để vực dậy TP chưa được sử dụng hiệu quả. Từ đó, TS Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là TP phải hấp thụ được vốn, đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân.
Dẫn chứng Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ, Nghị quyết 31 về phát triển TPHCM đã khẳng định vị trí liên kết vùng. Theo đó, TP hoàn toàn có thể vực dậy nền kinh tế nếu giải quyết được các điểm nghẽn. Bên cạnh đó, TPHCM phải công khai minh bạch toàn bộ vấn đề. Đây là mấu chốt để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có niềm tin thì TP sẽ phát triển được.