Theo ông Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, năm 2020 kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn đối mặt với những khó khăn tương tự năm 2019. Đó là căng thẳng thương mại khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; gia tăng rủi ro nợ quốc gia của các nước… Tuy nhiên, cũng có những điểm tích cực.
Đó là việc ngân hàng trung ương các nước đều nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để kích thích kinh tế. Các biện pháp này sẽ giúp giảm bớt suy thoái, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế trong thương mại và đầu tư tốt hơn.
Điều này còn có tác dụng ổn định đồng USD và lãi suất, không còn gây ảnh hưởng nhiều đến lạm phát, tạo dư địa cho NHNN có những nới lỏng trong chính sách tiền tệ.
Việc nới lỏng vào thời điểm trước khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái cũng sẽ tác động tích cực đến thị trường vốn Việt Nam. Ngoài ra, quý IV Chính phủ đã quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tác động tích cực đến TTCK 2020.
Nhìn nhận về diễn biến thị trường năm 2019, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, nhận xét việc thanh khoản thị trường giảm (29%) đã được tiên liệu. Bởi trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng gay gắt, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các quỹ ngoại có xu hướng rút vốn, NĐTNN sẽ cân nhắc thận trọng hơn trong việc giải ngân mới.
Tuy nhiên, bên cạnh thanh khoản giảm, thị trường năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực: chỉ số VN Index tăng trên 7,9%; quy mô thị trường tăng trên 10%; thanh khoản trên thị trường trái phiếu tăng, NĐT ngoại vẫn mua ròng hơn 13.000 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu, dòng vốn NĐTNN vẫn đổ vào trong khi các nước xung quanh hầu hết bị rút vốn. Có thể nói, dù tình hình có nhiều biến động nhưng Việt Nam có nhiều yếu tố để NĐT quốc tế tin tưởng.
“Ở góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi thấy có góc nhìn tích cực cho sự phát triển của TTCK 2020” - ông Dũng nói.
Nêu thí dụ về việc bán hơn 41 triệu cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) trị giá 173 triệu USD, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt, nhận xét việc NĐT sẵn sàng mua với giá hơn 96.000 đồng/CP - cao hơn mức giá CP Bảo Việt đang giao dịch trên sàn - cho thấy niềm tin của NĐTNN ngày càng tốt hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các thương vụ bán vốn thành công trong năm 2019 đều đến từ các doanh nghiệp có nền tảng tốt, quản trị công ty minh bạch.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, tâm lý NĐT ở trạng thái rất thận trọng trong tháng 11 và 12. Trên thế giới, các ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất và kích thích kinh tế, cùng với đó là một loạt tín hiệu, dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2020 cao hơn 2019, đã tạo ra các điều kiện thuận lợi cho đầu tư chứng khoán.
Các quỹ đầu tư tại Việt Nam gần đây đều phát hành thêm chứng chỉ quỹ và NĐT càng mua nhiều hơn. Tổng kết tháng 12, NĐT bán ròng nhưng chỉ tập trung vào một số CP. Đa phần CP còn lại được khối ngoại mua ròng tương đối đều.
“Điều đó đang thể hiện dòng tiền vào Việt Nam vẫn tích cực, kỳ vọng những tháng đầu năm 2020 xu hướng này vẫn tiếp tục, giúp TTCK bước vào năm 2020 có khởi đầu tích cực” - ông Linh nói và chia sẻ thêm: “Thị trường sẽ chờ đợi thêm những tín hiệu trong tương lai của kinh tế thế giới và Việt Nam có thực sự cải thiện trước các rủi ro của chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, chúng ta có quyền hy vọng có quý I và Tết Nguyên đán “tương đối vui vẻ”. Còn sau đó, thị trường sẽ ra sao phải tiếp tục chờ diễn biến tiếp theo từ thế giới”.
Đánh giá về việc điều hành chính sách tiền tệ, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho rằng năm 2019 dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chính sách tiền tệ và tài khóa đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và “có lẽ là nhuần nhuyễn nhất” trong vài năm gần đây.
Định hướng của chính sách tiền tệ, tài khóa hứa hẹn tiếp tục tạo nền tảng kinh tế vĩ mô tốt trong năm 2020, cũng như đảm bảo sự ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, sự phát triển của TTCK.
10 sự kiện CK nổi bật năm 2019
(do Câu lạc bộ Nhà báo CK bình chọn)
1. TTCK Việt Nam có Luật Chứng khoán mới.
2. Phê duyệt đề án cơ cấu lại TTCK.
3. Trái phiếu doanh nghiệp bùng bổ, trái phiếu chính phủ diễn biến tích cực.
4. Quỹ ETF nội cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại.
5. Vốn ngoại gây ấn tượng với các thương vụ lớn.
6. Cú sốc FTM và rủi ro trong hoạt động cầm cố CP.
7. Xử phạt FLCHomes thành hiện tượng nổi sóng dư luận.
8. Ra mắt Chứng quyền có đảm bảo (CW) sau 7 năm “thai nghén”.
9. Thanh khoản thị trường năm 2019 thấp hơn kỳ vọng.
10. Lần đầu tiên bỏ phí sàn môi giới CK, làm thay đổi cục diện cạnh tranh trong khối CTCK.