Kỳ vọng tín hiệu lạc quan

(ĐTTCO) - Năm 2016 trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện cả ở góc độ sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Dù nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều thách thức khi ổn định chưa bền vững, phục hồi không đều, tăng trưởng dựa nhiều vào khu vực FDI; khu vực nông nghiệp, khai khoáng và nhiều lĩnh vực dịch vụ khác đang có dấu hiệu đi xuống; công cuộc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn dang dở. Song nếu so với mặt bằng chung của thế giới, tốc độ tăng trưởng trên 6% của Việt Nam cũng là kết quả chấp nhận được.

(ĐTTCO) - Năm 2016 trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện cả ở góc độ sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Dù nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều thách thức khi ổn định chưa bền vững, phục hồi không đều, tăng trưởng dựa nhiều vào khu vực FDI; khu vực nông nghiệp, khai khoáng và nhiều lĩnh vực dịch vụ khác đang có dấu hiệu đi xuống; công cuộc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn dang dở. Song nếu so với mặt bằng chung của thế giới, tốc độ tăng trưởng trên 6% của Việt Nam cũng là kết quả chấp nhận được.

 

Cách đây khoảng 5-7 năm, tỷ lệ đầu tư phát triển kinh tế vào khoảng trên 40% GDP, nhưng hiện nay tổng đầu tư toàn xã hội cho phát triển kinh tế chỉ còn 30-31% GDP. Điều này cho thấy tỷ lệ đầu tư giảm nhưng tăng trưởng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi là điều có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay.

Một vấn đề rất rõ là trước đây tăng trưởng kinh tế đạt được trong điều kiện tăng trưởng tín dụng trên 30%, nhưng hiện nay tăng trưởng tín dụng khoảng 15-16% cho thấy hiệu quả của dòng tiền tốt lên, dòng tiền đầu cơ đã giảm. Một lĩnh vực cũng giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng năm 2016 là xây dựng. Đây là ngành có hệ số kéo đối với các ngành kinh tế khác khá cao, liên quan đến 2 lĩnh vực rất quan trọng là kết cấu hạ tầng và bất động sản. Mặc dù hiện còn nhiều tranh cãi, nhưng phần nhiều đánh giá cho rằng thị trường bất động sản đang hồi phục.

Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ đặc biệt là du lịch khi năm 2016 Việt Nam thu hút được 10 triệu khách nước ngoài, một con số được coi là lớn nhất từ trước đến nay. Hay nhìn về tổng cầu tiêu dùng, các báo cáo cho thấy tiêu dùng của Việt Nam còn tốt khi các chỉ số điều tra về cầu tiêu dùng vẫn rất lạc quan. Chính vì vậy bảng tổng sắp của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã thăng hạng cho Việt Nam.

Năm 2017, mặc dù còn những khó khăn nội tại của nền kinh tế, song Việt Nam vẫn đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chúng ta vẫn đang ở thời điểm dân số vàng, lực lượng lao động đầy nhiệt huyết, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, cũng như có lợi thế so sánh khi thu hút đầu tư FDI.

Đây chính là cơ hội vàng của Việt Nam để tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều có chung nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động đầy bất ngờ trong năm 2016 và dự báo vẫn còn trong 2017, nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục là một ngôi sao sáng trong khu vực. Con số hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 2016 là minh chứng sống động.

Một minh chứng là xuất khẩu của Việt Nam vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường; dòng vốn đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục và góp phần làm xuất khẩu tăng trưởng trong những năm tới. Ngay cả khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ là một bất lợi cho các nước thành viên, nhưng lợi thế Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định với những hiệp định thương mại đã hoặc sẽ ký với các nước đối tác.

Một xu hướng mới gần đây đã xuất hiện khi các doanh nghiệp FDI bắt đầu thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để tận dụng lực lượng kỹ sư dồi dào tại chỗ. Đây là xu hướng đáng mừng khi chúng ta buộc phải nâng cao giá trị gia tăng tại Việt Nam để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Chiến lược phát triển dựa vào nhân công giá rẻ sẽ không thể bền vững với một quốc gia.

Do vậy cần xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và công nghệ thông tin… để tạo giá trị cạnh tranh bền vững. Một quốc gia cũng giống như một doanh nghiệp, rất cần một chiến lược phát triển đất nước trong 20-30 năm tới với một tầm nhìn dài hạn, các mục tiêu rõ ràng, từng cột mốc cụ thể theo thời gian, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và các bộ, ngành đối với việc đạt được các cột mốc này và thường xuyên tiến hành rà soát lại việc thực hiện chiến lược.

Tín hiệu tích cực của năm 2016 khi Chính phủ chủ trương  xây dựng Chính phủ kiến tạo với các quan điểm dứt khoát và chương trình hành động rõ ràng được nêu trong các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Hay việc quyết liệt cải cách doanh nghiệp nhà nước bằng việc bán toàn bộ và thoái vốn tại một số công ty như Vinamilk, Sabeco, Habeco…

Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho nền kinh tế. Chỉ khi thực sự chấp nhận sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta mới thực sự thay đổi được cách thức, bộ máy quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã đưa thông điệp mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại “Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội ngân hàng châu Á”. Để thực hiện được điều này, tỷ lệ sở hữu ở các ngân hàng trong nước cần được thay đổi, bởi nếu chỉ có một tỷ lệ cổ phần nhỏ được bán, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không muốn mua, vì họ không thể tham gia kiểm soát hoạt động ngân hàng để tái cơ cấu.

Thống đốc cũng nhấn mạnh, sẽ xem xét việc cho phép các ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao và không có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính được phá sản. Biện pháp này sẽ giúp loại bỏ các thành viên yếu kém trên thị trường mà NHNN không cần tốn nhiều nguồn lực để giải quyết.

Năm 2017 theo dự báo sẽ phục hồi khó khăn, chưa kể những cú sốc, những rủi ro do tính bất định từ địa chính trị, tài chính tiền tệ, giá cả hàng hóa, liên quan đến thương mại đầu tư toàn cầu với chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên. Bên cạnh đó, các khoản nợ xấu kéo dài, nguy cơ gia tăng lạm phát, tốc độ thoái vốn công chậm so với kế hoạch đề ra đang gây khó khăn cho kinh tế.

Do vậy Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi về thuế, thủ tục hành chính và giải ngân giúp doanh nghiệp phát triển. Năm 2017, cần đẩy mạnh thực hiện 3 mục tiêu cải cách mà Quốc hội đã đề ra: cải cách đầu tư công, các doanh nghiệp có vốn nhà nước và khu vực tài chính. Thực hiện những mục tiêu này sẽ không chỉ giúp nền kinh tế năm 2017 bền vững, mà còn tạo động lực để nền kinh tế chịu đựng được những cú sốc từ bên ngoài.

Các tin khác