Kỳ vọng từ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nâng thu nhập cho nông dân

(ĐTTCO) - Tư duy mới trong sản xuất lúa gạo gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó chung tay cùng với Chính phủ thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra cú hích đối với ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL.

Năm 2023, dự báo xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD
Năm 2023, dự báo xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD

Những năm qua, ngành lúa gạo đang ngày càng khẳng định vị thế là ngành chủ lực của nền nông nghiệp nước ta. Năm 2022, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 7,17 triệu tấn, trị giá 3,49 tỷ USD - tăng 6,2% so với năm 2021. Năm 2023, dự báo xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Sản xuất lúa gạo đã có những thành tựu đột phá, tuy nhiên, người nông dân vẫn đối mặt với những áp lực về giá cả bấp bênh. Ngành hàng lúa gạo vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục, nhằm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả.

Nhìn trà lúa Đông Xuân với diện tích hàng trăm ha ở xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Ẩn, Chủ nhiệm Bình An Hội quán chia sẻ, thu nhập của người nông dân trồng lúa nói chung còn thấp do quy mô sản xuất nhỏ lẻ và chất lượng gạo chưa đồng đều. ĐBSCL chưa có những vùng chuyên canh lúa quy mô lớn với sự liên kết, hợp tác giữa người trồng và HTX, DN. Các biện pháp canh tác chưa thực sự bền vững; nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Nếu hệ thống canh tác không thay đổi, sẽ gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào và nhất là ảnh hưởng đến môi trường, gây phát thải khí nhà kính.

“Hội quán sẽ đi theo chủ trương sản xuất mới cả thế giới người ta đang làm, để có sản phẩm an toàn. Sản phẩm đó đáp ứng được yêu cầu không chỉ trong nước mà cả thế giới, nên sản xuất theo hướng hữu cơ và giảm khí thải Carbon. Vấn đề này không phải từ mình mong chờ để được hỗ trợ, cần phải có ý tưởng để tự vươn lên, tự làm sau này đồng hành cùng sản xuất theo hướng an toàn, sạch”, ông Ẩn bộc bạch.

Ngày 27/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490 phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" với mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha.

Mới đây, trong khuôn khổ Festival Lúa gạo quốc tế 2023 tại Hậu Giang, đã diễn ra Lễ phát động thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" tại xã Vị Trung, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới: Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng và phát triển kế hoạch một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát động Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Hậu Giang

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo. Từ đó nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, sự thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hợp tác công - tư hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á… sẽ là chìa khóa cho thành công của Đề án.

“Trong quá trình triển khai Đề án, chúng ta sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như chi trả tín chỉ Carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.

Là đối tác đồng hành với Việt Nam trong chuyển đổi ngành nông nghiệp từ nhiều năm qua, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam phê duyệt và triển khai Đề án. Bà nhấn mạnh, Đề án cùng lúc nhằm ba mục tiêu: Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sống.

Bà Carolyn Turk cũng khẳng định, Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai đề án này; hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường Carbon tự nguyện để có được nguồn tài chính bền vững cho phát triển kinh tế.

“Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành và hỗ trợ cho Đề án 1 triệu ha lúa cho các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN&PTNT và Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án này. Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam các cơ chế để có thể tham gia thị trường Carbon tự nguyện, trong tương lai có thể sử dụng được nguồn tài chính bền vững để tiếp tục các hoạt động phát triển và sinh kế”, bà Carolyn Turk cam kết.

Đề án 1 triệu ha lúa nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế

Theo Bộ NN&PTNT, Đề án chia làm 2 giai đoạn, triển khai tại 12 tỉnh, thành: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long; với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030. Ngay từ vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao bắt đầu được triển khai ở ĐBSCL với tổng diện tích tham gia khoảng 180.000 ha. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi với sản xuất lúa bền vững.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp chính là giải pháp căn cơ, giúp cả người nông dân và DN cùng toàn xã hội đều có lợi. “Đây là đề án được các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở thế giới làm đề án này. Đây chính là đề án mang ý nghĩa giảm phát thải khí nhà kính, đồng hành với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cam kết COP 26 đưa ròng phát thải khí bằng 0 vào năm 2050”, ông Bình nói.

Khởi sự cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là Đề án của 13 địa phương vùng ĐBSCL, không chỉ là Đề án của riêng Bộ NN&PTNT. Chính vì thế, Đề án triển khai, rất cần sự phối hợp, chung tay của các địa phương và các thành phần có liên quan; chuyển tải được những thông điệp của đề án đến được với bà con nông dân.

Sản xuất lúa gạo là ngành dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu nhưng cũng là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn. Chính vì thế, những gì chúng ta “gieo” sự thay đổi từ Đề án này thì sẽ “gặt” hái được nhiều giá trị. Tích hợp đa giá trị, nền nông nghiệp tuần hoàn bán được tín chỉ Carbon, bán cả gói sản phẩm từ gạo đó là đích đến.ài 3: Thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, nâng thu nhập cho nông dân

Các tin khác