Lạc quan chừng mực

Thông tin Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức đạt được thỏa thuận đã giúp TTCK tăng điểm tích cực trong 2 phiên 5 và 6-10, lên hơn 581 điểm trước khi điều chỉnh vào ngày 7-10 xuống còn hơn 579 điểm.

Thông tin Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức đạt được thỏa thuận đã giúp TTCK tăng điểm tích cực trong 2 phiên 5 và 6-10, lên hơn 581 điểm trước khi điều chỉnh vào ngày 7-10 xuống còn hơn 579 điểm.

2 phiên bùng nổ

Những ngày qua có nhiều thống kê, phân tích, nhận định về tác động của TPP đối với kinh tế Việt Nam. Dù tận dụng những cơ hội từ hiệp định này là cả chặng đường dài, nhưng có không ít ý kiến cho rằng những tác động TPP đem lại không kém WTO vào năm 2006. Nhưng phản ứng trên TTCK lại không giống như chục năm về trước.

Nhìn lại 2 phiên tăng vào ngày 5 và 6-10, đà tăng chủ yếu bắt nguồn từ nhóm CP trụ cột như BVH, VCB, VNM; nhóm CP hưởng lợi từ TPP bao gồm TCM, STK, HVG. Trong khi nhiều CP khác chủ yếu tăng nhẹ. Điểm đáng chú ý, trong phiên ngày 6-10, khi thông tin TPP chính thức đạt được thỏa thuận xuất hiện, tưởng chừng những CP có liên quan trực tiếp đến TPP như dệt may, thủy sản sẽ dựng trần đồng loạt, song thực tế lại không như vậy.

Chỉ có HVG tăng trần trong phiên 6-10, trong khi những CP được xem là nhạy với sóng TPP như TCM, STK hay VHC chỉ tăng tích cực. Thu hút sự chú ý của NĐT trong phiên 6-10 là việc BVH tăng trần từ 4.8 lên 5.1. Những CP bảo hiểm khác như BIC hay BMI cũng có diễn biến tương tự. Bảo hiểm là ngành cũng được dự báo sẽ được hưởng lợi từ TPP, nhưng trong suy nghĩ của nhiều người dệt may hay thủy sản sẽ có cơ hội rõ nét hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao bảo hiểm lại có sức bật mạnh như vậy?

Nhìn lại một đợt sóng TPP vào tháng 7, khi đó nhiều NĐT cũng kỳ vọng TPP sẽ hoàn thành và CP bảo hiểm cũng bùng nổ tương tự, với việc BVH tăng hơn 50% chỉ trong nửa đầu tháng 7. Những thống kê này gợi mở về một mối tương quan giữa CP bảo hiểm và TPP, hoặc CP bảo hiểm với CP TPP.

Đây có thể là bất ngờ thú vị với thị trường. Nhưng dựa vào diễn biến của những CP trụ cột trong thời gian qua có thể cho một cách nhìn khác. Trước khi CP bảo hiểm bùng nổ trong tuần này, VNM và nhóm CP cơ bản đã có diễn biến tích cực trong suốt tháng 9. Dường như, đã có sự luân phiên trong vai trò của các trụ cột, CP nào giảm đủ, tích lũy đủ tăng trở lại, trong khi những CP khác ở trong giai đoạn tích lũy.

Theo dõi diễn biến trong phiên 7-10, khi BVH kết thúc phiên ở giá tham chiếu 5.1 dù trong phiên có lúc tăng, hay VCB giảm nhẹ, nhóm CP dầu khí với GAS, PVD, PVS… lại tăng giá giữ cho điểm số của thị trường giảm nhẹ. Như vậy, TPP đóng vai trò hỗ trợ cho TTCK, tạo ra sự hưng phấn. Tuy vậy, trong thực tế, TTCK vẫn có diễn biến theo những xu hướng vốn có trước đó, nghĩa là có CP trụ cột dẫn dắt, các trụ cột luân phiên với nhau để tạo ra cục diện tích cực. 

TPP phản ánh mạnh vào giá CP

Phải chăng TTCK đang phản ứng một cách chừng mực với TPP hay TPP đã phản ánh vào những kỳ vọng trước đó, nên khi tin tức được công bố không còn nhiều tác động? Sẽ là khiên cưỡng nếu so sánh TTCK 2015 có TPP với TTCK 2006 với WTO. Bối cảnh thị trường, nhìn nhận của NĐT, rồi hàng hóa, dòng tiền… có nhiều khác biệt, nên phản ứng tất nhiên sẽ khác.

Đơn cử, NĐT vào năm 2006 tiếp cận TTCK với sự hào hứng, bùng nổ chưa từng có, trong khi NĐT hiện nay đã trưởng thành, nhiều kinh nghiệm hơn và tất nhiên thận trọng hơn. Nhân viên môi giới tại một CTCK lớn cho biết phiên 6-10 được xem là phiên tăng tích cực với thông tin TPP, nhưng có NĐT vẫn bình thản đặt lệnh bán với kỳ vọng trong ngắn hạn đã được phản ánh vào giá. Không bàn đến tính hợp lý của quan điểm này, nhưng cũng là minh chứng cho thấy NĐT hiện giờ khác trước rất nhiều.

NĐT kỳ vọng TPP tác động tích cực đến giá CP. Ảnh: LONG THANH

NĐT kỳ vọng TPP tác động tích cực đến giá CP. Ảnh: LONG THANH

Việc TPP đã phản ánh vào giá của TTCK nói chung hay CP nói riêng, cũng có thể thấy được phần nào thông qua việc quan sát giá của những CP được xem là hưởng lợi trực tiếp từ TPP như TCM, HVG hay VHC. Từ tháng 5 đến tháng 7, TCM tăng giá từ 2.5 lên 4.0, tỷ lệ tăng 40%.

Đó là  chỉ mới trong năm nay, trong khi nếu tính vài năm qua, từ khi thông tin TPP xuất hiện trên TTCK và tạo ra kỳ vọng, tỷ lệ tăng của TCM phải được tính bằng “lần”, không phải bằng %. So với giá 3 năm trước, TCM đã tăng khoảng 7 lần. Điều này minh chứng thông tin và kỳ vọng TPP đã phản ánh rất mạnh mẽ vào giá CP. Nhưng quan trọng hơn, TPP có còn tiếp tục phản ánh?

Câu trả lời nhiều khả năng là có. Bởi sau những hồ hởi ban đầu, điều dễ thấy là TPP còn cần nhiều thời gian để triển khai, hiện thực hóa. Chắc chắn không chỉ có dệt may hay thủy sản được hưởng lợi mà còn nhiều ngành khác. Như vậy, có thể nói TPP đã phản ánh nhưng chưa hết. Cũng như thông tin về mở room, khi được chính thức thực thi, thị trường phản ứng không mạnh như giai đoạn kỳ vọng trước đó, tuy nhiên NĐT vẫn đang chờ đợi việc này sẽ diễn ra ở từng doanh nghiệp, lúc đó sẽ có những câu chuyện khác nhau.

VN Index đã vượt qua ngưỡng 575 điểm khá thuyết phục, tuy nhiên, điểm trừ là chỉ số này lại giảm xuống ngưỡng 580 điểm trong phiên 7-10, ngưỡng quan trọng xét về mặt tâm lý. Nhiều khả năng, chỉ số này sẽ được thử thách thêm tại ngưỡng 575 điểm trong vài phiên tới.

Và như vậy, sự luân phiên của các CP trụ cột cũng như kỳ vọng KQKD của DN niêm yết sẽ góp phần tạo ra sự tích cực cho thị trường. Điều này đã được minh chứng qua thanh khoản trên cả 2 sàn trong 2 phiên gần nhất đạt gần 3.000 tỷ đồng/phiên, riêng trong phiên 7-10, dù nhiều CP giảm trở lại nhưng khối ngoại lại đã mua ròng xấp xỉ 160 tỷ đồng tại HOSE.

TPP sẽ là một nhân tố quan trọng để tạo ra xu hướng tích cực cho TTCK trong dài hạn, còn trong ngắn hạn TTCK vẫn sẽ vận hành tích cực theo quy luật vốn có.

Các tin khác