Lạc quan xuất khẩu

Hầu hết các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có cái nhìn khá lạc quan về tình hình xuất khẩu trong năm 2015. Đặc biệt việc Việt Nam sẽ chính thức ký kết 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan trong 2015 là những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu năm tới.

Hầu hết các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có cái nhìn khá lạc quan về tình hình xuất khẩu trong năm 2015. Đặc biệt việc Việt Nam sẽ chính thức ký kết 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan trong 2015 là những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu năm tới.

Kỳ vọng tăng trưởng

Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhiều năm liền, dệt may luôn có đóng góp lớn vào tổng kim ngạch của cả nước. Bước sang năm 2015, ngành dệt may tiếp tục nhận được nhiều tín hiệu tốt từ thị trường.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho hay nhiều DN đã có đơn hàng đến hết quý I, có nơi đến hết quý II và có vài DN đã có những thỏa thuận với đối tác đến hết năm 2015.

“Dự kiến kim ngạch xuất khẩu của dệt may năm 2015 tăng khoảng 10-15% so với năm 2014” - ông Hồng chia sẻ và cho biết thêm với ngành dệt may, 2015 có thể xem là năm có nhiều thuận lợi, ngoài những cơ hội từ các FTA, nhiều đơn hàng từ Trung Quốc cũng đang dịch chuyển sang thị trường Việt Nam do giá nhân công nước này đang tăng cao.

Cơ hội xuất khẩu năm 2015 có nhiều nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Hiện nay để đón đầu nhiều hiệp định, nhất là TPP, nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư mạnh vào ngành dệt may, nếu DN không đầu tư xây dựng nền móng tốt rất khó cạnh tranh. Trong đó, yêu cầu cải tiến công nghệ đang đặt ra hết sức cấp bách và là bài toán chung của các DN trong nhiều lĩnh vực.

Ông Phạm Xuân Hồng

Cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch 10-15% trong năm 2015, ngành gỗ đang nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Theo Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), dư địa xuất khẩu cho ngành gỗ vẫn còn rất lớn, vì trong số 70 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ trên thế giới Việt Nam mới chiếm gần 2,6% thị phần.

Một số thuận lợi trong năm 2015 như kinh tế đang ấm dần tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gỗ tăng cao. Trong khi đó, Trung Quốc sản xuất nhiều đồ gỗ nhất thế giới nhưng bị áp lực về thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ, vì thế các DN nếu biết tận dụng tốt, khả năng tăng trưởng trong năm 2015 hoàn toàn khả quan.

Không chỉ riêng ngành gỗ, dệt may mà hầu hết ngành xuất khẩu chủ lực đều đặt ra mục tiêu tăng trưởng khả quan trong năm 2015. Hiện nay nhiều DN trong ngành da giày đã có đơn hàng cho năm 2015, thậm chí đến hết quý III và quý IV. Theo chia sẻ của các DN, đơn hàng xuất khẩu liên tục được chuyển từ Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan sang, đã tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu da giày trong năm 2015.

Nhìn lại thành tích xuất khẩu của các ngành hàng trong năm 2014, có thể thấy một trong những ngành hàng có mức tăng trưởng ấn tượng vượt xa so với kế hoạch ban đầu chính là xuất khẩu thủy sản.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), kế hoạch xuất khẩu ban đầu năm 2014 khoảng 6,9 tỷ USD, nhưng cuối năm với sự bứt phá của xuất khẩu tôm với kim ngạch gần 4 tỷ USD, toàn ngành thủy sản đã cán đích với kim ngạch 7,9 tỷ USD – một con số hết sức ấn tượng.

Tuy nhiên, cũng chính vì cán đích quá ấn tượng nên khi được hỏi về kế hoạch tăng trưởng năm 2015, ông Hòe tỏ ra thận trọng: “Rất khó dự báo trước tình hình, chúng tôi không đưa ra con số tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mà chỉ đưa ra mục tiêu về sản lượng. Năm 2015 ngành thủy sản sẽ nỗ lực nâng sản lượng xuất khẩu 10-15%. Bởi tuy kết quả ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và những mục tiêu cần phấn đấu.

Như trường hợp con cá tra cách đây 2 năm, xuất khẩu cá tra đã cán mốc 1,8 tỷ USD và DN cũng như ngành kỳ vọng cá tra sẽ vượt mức 2 tỷ USD. Nhưng cho đến nay sau 2 năm xuất khẩu, cá tra vẫn đứng yên ở mức 1,8 tỷ USD”.

Cơ hội và thách thức

Năm 2015 Việt Nam sẽ chính thức ký kết 2 FTA với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan. Theo đó, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu với nhóm hàng nông, thủy sản (tôm, cá, hoa quả, tỏi, gừng, mật ong), dệt may, đồ da, đồ gỗ.

Về phần mình, Việt Nam dành ưu đãi cho Hàn Quốc và Liên minh Hải quan các nhóm hàng công nghiệp, như nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, phương tiện vận tải, điện gia dụng, sản phẩm sắt thép… Đây sẽ là cơ hội cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

“Hiện nay Hàn Quốc đang là thị trường tiềm năng của thủy sản với mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD năm 2015. Khi có FTA chắc chắn sẽ mở ra thêm những cơ hội” - ông Hòe nhấn mạnh. Cũng nói về những cơ hội từ các FTA này, ông Phạm Xuân Hồng nhận định ngoài những thị trường chính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, ngành dệt may đang hướng đến những thị trường tiềm năng như Hàn Quốc và đặc biệt là Nga. Và việc có FTA giữa Việt Nam - Liên minh Hải quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiến sâu hơn vào thị trường này.

Dệt may dự kiến xuất khẩu 2015 tăng 10-15%.

Dệt may dự kiến xuất khẩu 2015 tăng 10-15%.

Tuy nhiên, nói về cơ hội đến từ các FTA Việt Nam đang tham gia đàm phán cũng như sẽ ký kết vào năm 2015, thực tế nhiều DN vẫn mù mờ về thông tin.

Thí dụ, sau khi 2 hiệp định trên được ký kết, lộ trình giảm thuế ra sao, những sản phẩm nào, ngạch thuế nào cắt giảm… không phải DN nào cũng nắm rõ. Tất nhiên, bất cập này còn là trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, cụ thể của các cơ quan quản lý có trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc nhiều DN da giày, dệt may… đã có đơn hàng cho năm 2015, lại là thách thức bởi đến nay Việt Nam vẫn phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, nếu không thận trọng khi giá nguyên liệu có biến động sẽ khó trở tay.

Để có kết quả xuất khẩu tốt, mỗi DN phải có những nỗ lực tự thân. 2015 được xem là một trong những dấu mốc quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, nên những thành quả đạt được sẽ tạo tiền đề cho những cú bứt phá vào những năm tiếp theo.

Các tin khác