Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024).
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 18-12, báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội (dự kiến tiến hành vào trung tuần tháng 1-2024), Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Theo đó, các cơ quan đã tập trung hoàn thiện những nội dung lớn của dự thảo luật theo Thông báo kết luận số 3123/TB-TTKQH ngày 21-11-2023; đồng thời, tiến hành rà soát toàn diện dự thảo luật lần 1.
Kết quả rà soát cho thấy, ngoài những nội dung lớn cần có ý kiến của Chính phủ như đã báo cáo UBTVQH, Quốc hội, còn có một số nội dung khác cần có ý kiến của Chính phủ để làm rõ; một số nội dung cơ quan chủ trì soạn thảo và các bộ tiếp tục có ý kiến, nhưng có sự thay đổi hoặc cần làm rõ về chính sách, phải có ý kiến chính thức của Chính phủ.
Đây là dự án luật rất quan trọng, phạm vi tác động lớn với nhiều điều khoản liên quan. “Mặc dù các cơ quan đã liên tục làm việc, nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc rà soát toàn bộ dự thảo. Thực tế cho thấy, việc rà soát rất mất thời gian và phát sinh thêm các nội dung cần làm rõ, hoàn thiện để bảo đảm không xảy ra vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tiễn”, ông Bùi Văn Cường nêu rõ.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, từ nay đến hết tháng 12 thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, vì vậy, việc trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 1-2024 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo luật. Do vậy Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024).
Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị cân nhắc việc thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường, mà chuyển sang kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024).
Riêng với dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng có thể trình Quốc hội vào tuần thứ 3 của tháng 1-2024.