Nên quy định chất lượng còn lại
Theo dự thảo, yêu cầu chung đối với thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải có “tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm”. Đây là điều kiện không mới so với quy định tại Thông tư 23 vốn đã bị nhiều DN và hiệp hội phản đối. Trước đó, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), cho rằng nếu là máy móc, thiết bị do các công ty nhập khẩu phục vụ sản xuất của họ không nên giới hạn tuổi thiết bị. Quy định này không thực tiễn, bởi máy móc có tuổi thọ trên 10 năm vẫn sử dụng tốt.
Trong góp ý của mình, VCCI tái khẳng định, tiêu chí về tuổi thiết bị là khiên cưỡng và bất hợp lý. Bởi lẽ, tuổi máy móc, thiết bị không phản ánh nguy cơ ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng quan trọng của máy móc thiết bị. Bên cạnh đó, việc phân ngành các loại máy móc thiết bị không khả thi, khi một ngành có thể có phạm vi rộng hẹp khác nhau, nhiều loại thiết bị, máy móc khác nhau và tác động của “tuổi” đến các lợi ích cũng không giống nhau. VCCI cho rằng, tiêu chí duy nhất phù hợp trong trường hợp này phải là về chất lượng còn lại của máy móc thiết bị, thông qua quy định tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.
Theo VCCI trong các phương án yêu cầu đối với thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu theo dự án đầu tư. Phương án 1: các thiết bị chính của dây chuyền công nghệ có tuổi không quá 20 năm; phương án 2: các thiết bị chính của dây chuyền sản xuất có tuổi thọ còn lại không ít hơn 10 năm so với thiết kế; phương án 3: chất lượng còn lại của các thiết bị chính từ 75% trở lên. VCCI cho rằng việc lựa chọn phương án 3 là phù hợp. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ % theo đề xuất quá cao, cần cân nhắc hạ xuống (có thể là 50%).
Các quy định quản lý nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng vẫn đang làm khó DN.
Nặng thủ tục hành chính không cần thiết
Theo dự thảo, quy định về thủ tục hành chính liên quan đến nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng trong các dự án đầu tư gồm 2 bước: giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư và giai đoạn quyết định đầu tư. Tuy nhiên, thủ tục này liên quan đến quy định tương tự tại Luật Đầu tư. Theo đó, đối với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký đầu tư sẽ không xem xét về máy móc, thiết bị công nghệ được sử dụng trong dự án đầu tư, nếu không thuộc trường hợp các công nghệ được chuyển giao.
Do đó, việc dự thảo yêu cầu bổ sung thêm tài liệu trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư là chưa phù hợp.
Ngoài ra, yêu cầu thêm thủ tục trong trường hợp không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư cũng chưa hợp lý. Theo dự thảo, trong trường hợp dự án không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, DN phải thực hiện thủ tục xin ý kiến Bộ KH-CN. Cụ thể, hồ sơ gồm văn bản đề nghị có ý kiến về công nghệ, thiết bị nhập khẩu đầu tư dự án, kèm theo cam kết thiết bị đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu đáp ứng yêu cầu quy định tại dự thảo; phương án đầu tư, bản chính; danh mục thiết bị đã qua sử dụng kèm theo các thông số kỹ thuật cơ bản (tên, xuất xứ, năm sản xuất, mục đích, số lượng, giá trị còn lại, công suất/hiệu suất/kích cỡ).
Phân tích về sự bất hợp lý này, VCCI chỉ ra 2 điểm chưa phù hợp. Cụ thể, theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết luật, đối với các dự án không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, đó là những dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài mới phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Các dự án đầu tư còn lại không phải thực hiện bất kỳ thủ tục đầu tư nào trước khi thực hiện dự án đầu tư. Việc dự thảo bổ sung thêm thủ tục hành chính yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện trước khi thực hiện dự án đầu tư cho tất cả trường hợp không thuộc diện xin chủ trương đầu tư là chưa phù hợp với pháp luật về đầu tư, đồng thời tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính cho DN.
Việc yêu cầu DN phải nộp “phương án đầu tư” cũng không hợp lý vì không rõ cơ quan nhà nước sẽ xem xét yếu tố gì trong tài liệu này để cho ý kiến về thiết bị đã qua sử dụng sẽ được sử dụng trong dự án đầu tư. Về thủ tục ở giai đoạn quyết định đầu tư, dự thảo quy định trước khi nhập khẩu 30 ngày, DN phải gửi hồ sơ nhập khẩu về Bộ KH-CN, trong đó có hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan (nếu có).
Cùng với đó, việc yêu cầu hồ sơ hải quan trong giai đoạn xin giấy phép nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng cũng chưa hợp lý. Bởi hồ sơ nhập khẩu theo pháp luật hải quan không thể hiện các thông tin liên quan tới điều kiện nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng phải đáp ứng, vì vậy không phục vụ cho việc kiểm soát này. Đồng thời, các giấy tờ khác trong hồ sơ xin cấp phép đã đủ để chứng minh thiết bị nhập khẩu có đáp ứng điều kiện hay không.