Lãi lớn nhờ… nợ

Dù hoạt động kinh doanh chính không đột biến, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có những khoản lợi nhuận bất ngờ nhờ chênh lệch tỷ giá từ các khoản vay ngoại tệ.

Dù hoạt động kinh doanh chính không đột biến, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có những khoản lợi nhuận bất ngờ nhờ chênh lệch tỷ giá từ các khoản vay ngoại tệ.

Giai đoạn 2008-2010 được xem là “cơn ác mộng” về tỷ giá đối với các doanh nghiệp dùng đòn bẩy tài chính có nguồn gốc từ ngoại tệ như điện hay xi măng. Thời điểm đó, EUR tăng giá từ 23.267 đồng/EUR lên 27.300 đồng/EUR, còn đồng Yên Nhật Bản (JPY) tăng từ 139 đồng/JPY lên mức 253 đồng/JPY. Từ chỗ tưởng như hưởng lợi nhờ mặt bằng lãi suất thấp, những doanh nghiệp đang ôm nợ ngoại tệ lại ngập chìm trong thua lỗ.

Theo CTCK BIDV, giá CP của các doanh nghiệp cũng rớt cùng nhịp với những dấu trừ “trích lập dự phòng tỷ giá” ngày một dày đặc trên các BCTC. Đà giảm giá của những mã CP này khiến cho NĐT gần như mất trắng. Thế nhưng, khi một chu kỳ mới bắt đầu, cơ hội lớn nhất sẽ lại đến từ những nơi bất ngờ nhất. Đó là các khoản lợi nhuận doanh nghiệp ghi nhận được từ chênh lệch tỷ giá.

Trong các doanh nghiệp hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) là doanh nghiệp hưởng lợi khủng nhờ khoản vay ngoại tệ bằng đồng JPY rất lớn. Bảng cân đối kế toán quý II, PPC hiện có khoản nợ dài hạn lên đến 4.486 tỷ đồng (chủ yếu là nợ JPY).

Theo BCTC quý II-2014, PPC tiêu thụ được khoảng 1,68 tỷ Kwh điện, đạt 2.111 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận âm 64 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, doanh thu thuần tăng 13% nhưng lợi nhuận giảm mạnh (tương đương 118%) do giá điện tăng không đủ bù đắp mức tăng của giá than đầu vào.

Giá bán điện bình quân được hạch toán trong quý II ở mức 1.257 đồng/Kwh, mặc dù tăng 11% so với cùng kỳ 2013 nhưng vẫn giảm 8% so với quý I do PPC thực hiện điều chỉnh giảm doanh thu trong quý II để giá điện hạch toán trong nửa đầu 2014 về  sát với giá điện theo thương thảo gần nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong khi đó, giá than bán cho điện bình quân đã tăng khoảng 60% so với cùng kỳ  2013, đẩy chi phí nhiên liệu của PPC tăng mạnh.

Thực tế, yếu tố trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong việc kéo tụt lợi nhuận của PPC mà nguyên nhân quan trọng nhất chính là lợi nhuận tài chính sụt giảm mạnh. Theo giải trình của PPC, lợi nhuận tài chính giảm mạnh do lỗ tỷ giá khoảng 156 tỷ đồng do JPY tăng giá so với VNĐ.

Cụ thể, tỷ giá VNĐ/JPY tăng từ mức 203,47 đồng/JPY vào 31-3 lên mức 209,46 đồng/JPY vào ngày 30-6. Trong khi cùng kỳ năm 2013, PPC ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá 235 tỷ đồng do đồng JPY đã giảm giá 4% trong quý II-2013 so với thời điểm cuối quý I-2013.

Tuy nhiên, những bất lợi này sẽ được giải tỏa ngay trong quý III này do JPY giảm giá. Cụ thể, tỷ giá mua chuyển khoản  VNĐ/JPY của Vietcombank (tỷ giá tham chiếu của PPC) ngày 29-9 là 193,3 đồng/JPY (giảm 16 điểm so với thời điểm cuối quý II).

Điều này đồng nghĩa với việc PPC sẽ được hưởng lãi tỷ giá trong quý III. Cũng trong quý III này, PPC trả khoản gốc vay khoảng 928,3 triệu JPY vào ngày 20-9 và dư nợ vay ngoại tệ cuối quý vào khoảng 25,07 tỷ JPY. Với chênh lệch tỷ giá như trên, ước tính PPC sẽ được hạch toán khoảng 418 tỷ đồng lãi tỷ giá trong quý III.

Câu chuyện tỷ giá đã giúp cho các doanh nghiệp từ chỗ điêu đứng trở thành hàng nóng trên TTCK. Chẳng hạn, PPC tăng 100% trong năm 2013 và được xếp vào nhóm siêu CP của năm như GAS, PVD, HPG, HSG, TCM. Dự báo PPC sẽ có đợt sóng lớn sau khi doanh nghiệp này công bố BCTC quý III.

Không chỉ có PPC, nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngoại tệ cũng đang được hưởng lợi đáng kể từ việc tăng giá của VNĐ. Chẳng hạn, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục cắt giảm lãi suất đồng EUR về mức thấp kỷ lục đồng thời công bố kế hoạch kích thích kinh tế mới cho khu vực Eurozone đã làm cho tỷ giá VNĐ/EUR giảm 8% trong tháng 9.

Việc EUR giảm giá so với VNĐ đã giúp cho các doanh nghiệp xi măng (chủ yếu thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam - Vicem) đang có các khoản vay lớn bằng đồng EUR ghi nhận một khoản lợi nhuận chênh lệch tỷ giá đáng kể trong quý III. Các doanh nghiệp xi măng thuộc Vicem thường vay nợ bằng đồng EUR để phục vụ việc đầu tư dây chuyền sản xuất châu Âu, nên với diễn biến đồng EUR suy giảm như hiện nay, các doanh nghiệp xi măng đang đứng trước cơ hội rất lớn.

Đơn cử là trường hợp của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC). Theo BCTC kiểm toán bán niên, nợ dài hạn của BCC còn khoảng 64,61 triệu EUR. Như vậy, mức thay đổi tỷ giá trong năm 2014 sẽ giúp BCC có thêm khoản lãi tỷ giá khoảng 73 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng nếu biết rằng lãi thuộc về công ty mẹ bán niên 2014 chỉ có 34,24 tỷ đồng. Tương tự là trường hợp CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1).

Vào thời điểm cuối năm 2013, nợ dài hạn của HT1 đến hơn 6.600 tỷ VNĐ (gần một nửa là dư nợ ngoại tệ). Cũng vì sử dụng vốn vay quá lớn nên năm 2013, HT1 đạt doanh thu 6.369 tỷ đồng (tăng 9,4%) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng (giảm 72,6%).

Nguyên nhân chính là HT1 phải gánh khoản chi phí lãi vay lên đến 773 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá 270 tỷ đồng (tăng 148%) do VNĐ mất giá khoảng 6% so với EUR. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay tỷ giá EUR/VNĐ khá ổn định nên dự báo lợi nhuận của HT1 sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong năm 2014.

Các tin khác