Đây là một trong những hạng mục thuộc dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Nguồn tin xác nhận Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản chấp thuận đóng cửa đường cất hạ cánh, các đường lăn theo từng giai đoạn để thi công khu vực hạn chế đường lăn P1, V1, S7, P4 đoạn từ đài VOR/DME (cũ) đến đường cất hạ cánh 25R/07L.
Theo đánh giá của các hãng bay, việc này sẽ dẫn đến hệ lụy là làm giảm tham số điều phối tại sân bay Tân Sơn Nhất từ 48 chuyến/giờ xuống chỉ còn 30 chuyến/giờ.
Song song đó, dù các thông tin về kế hoạch nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất đã có từ trước nhưng chính xác thời điểm thế nào thì lúc đó chưa có hướng dẫn cụ thể.
Dẫn đến việc khi Cục Hàng không Việt Nam ra thông báo từ ngày 9-2 để bắt đầu áp dụng từ ngày 21-2, các hãng hàng không khá bị động, trong khi vé đã bán từ trước dựa trên tần suất cất hạ cánh (slot) cũ đã được cấp phép. Điều này sẽ dẫn đến các rủi ro về việc chậm, hủy chuyến.
"Chúng tôi đánh giá điều này sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng phục vụ khách hàng và uy tín của các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn phục hồi", đại diện Vietravel Airlines nhấn mạnh.
Hãng này mới tham gia thị trường nên chỉ được cấp và phân bổ số lượng slot tối thiểu 8 slot tại Tân Sơn Nhất.
Việc đóng cửa một đường băng tại Tân Sơn Nhất sẽ khiến Vietravel Airlines bị giảm luôn mức slot tối thiểu. Vì thế đứng theo góc độ và tỉ lệ slot toàn ngành hàng không, phần trăm giảm của Vietravel Airlines là cao nhất, dẫn đến thiệt hại của hãng nặng nhất.
Đại diện một hãng hàng không khác nhìn nhận giai đoạn sau Tết nhu cầu đi lại xuống thấp. Tuy nhiên, cần đánh giá thận trọng nhu cầu của khách hàng và hãng bay trước khi đóng cửa một trong hai đường băng ở Tân Sơn Nhất để tiến hành thi công nâng cấp, sửa chữa.
Một cán bộ quản lý khai thác của sân bay cho biết việc triển khai sửa chữa đường lăn sẽ linh hoạt theo từng khung giờ, hạn chế ảnh hưởng đến tần suất khai thác của các hãng. Tuy có giảm chuyến bay nhưng không đáng kể.